(HNM) - Trong tư duy con trẻ, mái ấm gia đình chỉ đơn giản là nơi hiện diện của ông bà, cha mẹ, anh chị cùng sinh sống. Khi đã khôn lớn vào đời, mỗi người càng hiểu hơn ý nghĩa rộng lớn và rất đỗi thiêng liêng của hai tiếng
Gia đình là môi trường đào tạo con người một cách toàn diện nhất, là nền tảng để định hình nhân cách, lối sống, tư duy, tự tin tạo lập cuộc sống. Có dịp được gặp gỡ với những đại biểu trong Hội nghị Biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu huyện Thanh Trì, Hà Nội, được trò chuyện, lắng nghe những kinh nghiệm cuộc sống, cách tạo dựng nếp nhà, mới thấy, nền tảng văn hóa gia đình được xây dựng và tiếp nối không phải bởi những gì cao siêu, mà bằng chính những bài học thực tiễn đời thường vô cùng giản dị...
Dày công xây dựng nếp nhà...
Theo chân Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì - Hà Nội) Chử Văn Đào, chúng tôi đến thăm nhà của ông bà Chử Văn Bẩy và Nguyễn Thị Hà vào một chiều nắng nhạt. Cánh cổng gỗ vừa mở ra là một không gian xanh yên bình và thư thái. Khoảng sân gạch đỏ au, giàn trầu không xanh mướt, những thân cau thẳng đứng đổ bóng xuống góc vườn, ngôi nhà ba gian hai chái với bộ bàn ghế được bày biện ngay dưới mái hiên... đậm hồn quê Bắc bộ. Nghe tin có nhà báo đến thăm, vợ chồng ông Chử Văn Bẩy bỏ cả giấc ngủ trưa, nhiệt tình đón khách. Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Chử Văn Bẩy vẫn giữ được nét tráng kiện của chàng trai chèo đò năm xưa, còn bà Nguyễn Thị Hà, vợ ông vẫn nguyên nước da hồng hào, hàm răng hạt na đều tăm tắp. Bên chén nước chè, ông hồn hậu kể chuyện xưa. Năm ông tròn 18 tuổi, được gia đình hai bên tác hợp, đôi vợ chồng trẻ nên duyên và lần lượt sinh hạ 9 người con. Lúc bấy giờ kinh tế còn khó khăn, thiếu thốn trăm bề, cả gia đình chỉ trông vào số lương thực ít ỏi ông bà được chia theo công điểm khi làm xã viên HTX Nông nghiệp Vạn Phúc. Vốn nổi tiếng khỏe mạnh trong vùng, ông được HTX giao nhiệm vụ chèo đò, ngày ngày vượt sông Hồng, đưa xã viên sang bờ bên kia canh tác. Nhà đông miệng ăn, không để các con thiếu thốn, ông bà xoay đủ cách để cải thiện cuộc sống. Những lúc vắng khách đi đò ông lại tranh thủ câu cá, đánh lưới, kéo bè vó để có con tôm, con cá cải thiện bữa ăn gia đình. Tuần nào cũng thế, ông bà lặn lội sang tận chợ Đông Cảo (Hưng Yên) mua chuối xanh về rấm. Chuối chín vàng, hai vợ chồng kẽo kẹt gánh chuối lên tận chợ Hàng Da, chợ Hôm để bán cho được giá. Sau buổi chợ, quang gánh của ông bà lại chất đầy dọc khoai tranh thủ cắt ven đường mang về nuôi lợn...
Ông bà Chử Văn Bẩy bên các con đều đã thành đạt trong cuộc sống. |
Cuộc sống vất vả, khó khăn, khéo co kéo lắm mới đủ ăn, đủ mặc, nhưng ông bà đặc biệt chú trọng việc dạy con và xây dựng nếp nhà. Ông Bẩy kể: "Nhà đông con nên việc đầu tiên chúng tôi dạy các con phải đoàn kết, đùm bọc, thương yêu nhau. Nhà có nếp phải trên kính, dưới nhường, con cái phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Có lẽ thấm nhuần gia phong ngay từ nhỏ, nên các con tôi đứa nào cũng ngoan ngoãn, gắn bó với gia đình...". Dù chật vật xoay xở từng bữa ăn, nhưng ông bà luôn quyết tâm phải cho con ăn học tới nơi, tới chốn với suy nghĩ: Phải có ăn, có học, có bằng cấp thì mới nên người. Nếp nhà như thứ mạch ngầm âm ỉ nhưng mạnh mẽ, lần lượt 9 người con của ông bà đều khôn lớn nên người. Trong số 9 chị em, thì 8 người tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học và đều trưởng thành, nhiều người hiện đang giữ những chức vụ cao trong các cơ quan nhà nước.
Ông bảo, đến nay các con, cháu đều thành đạt, kinh tế vững vàng và niềm vui và tự hào nhất của ông bà chính là đã xây dựng được một nếp nhà mẫu mực. Dù bận rộn công việc, học hành, nhưng đều đặn mỗi tháng một lần, cả đại gia đình, con cái, dâu rể, cháu chắt lại về với ông bà, quây quần bên mâm cơm, cùng hỏi han, thăm hỏi sức khỏe và bàn chuyện giúp nhau khi ai đó có công, có việc... Dù đông con, nhiều cháu nhưng không bao giờ trong nhà xảy ra mâu thuẫn, bởi trên tất cả là tình yêu thương, nhường nhịn.
Đã 4 lần được biểu dương là gia đình văn hóa tiêu biểu cấp thành phố và huyện Thanh Trì, niềm vui và tự hào của ông Chử Văn Bẩy và bà Nguyễn Thị Hà chính là xây dựng được một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Đó cũng là động lực lớn nhất để ông bà luôn sống vui, sống khỏe và tích cực tham gia vào những phong trào, hoạt động có ý nghĩa ở quê hương. Bước sang tuổi 83, bà vẫn là Ủy viên BCH MTTQ xã, Thường vụ BCH Người cao tuổi, phụ trách người già toàn xã, Phó ban CLB dưỡng sinh...
Năm nhà chung ngõ, một gia đình
Vợ chồng ông Trần Văn Phức (84 tuổi, xã Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) và bà An Thị Nở (79 tuổi) cũng sinh tới 5 trai, 3 gái. Ông làm cán bộ ngành điện, bà quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Khó có thể chia sẻ được nỗi vất vả mà hai ông bà đã phải trải qua để nuôi dạy các con nên người. Hiện các con ông bà đều phương trưởng, có công ăn việc làm, xây dựng gia đình yên ấm. Ông cũng có thêm hơn chục cháu nội, ngoại và 8 chắt.
Tài sản đáng giá duy nhất mà ông bà có được chính là mảnh đất gần 500m2, sau nhiều năm tần tảo gây dựng. Không có điều kiện cho con tiền mua đất, mua nhà, mỗi lần cậu con trai nào cưới vợ, ông bà lại chia cho ít đất, chút vốn để tự lo toan cuộc sống. Các con càng lớn thì nhà cửa, sân vườn của ông bà càng hẹp lại, nhường chỗ cho con.
Đến nay, cả 5 cậu con trai của ông bà đều đã an cư trên phần đất mà bố mẹ chia, một vài cháu lớn, lấy vợ cũng vẫn sống cùng tại đó. Ông Phức cho biết, ông bà sống cùng vợ chồng con trai lớn, nhưng vẫn là người "cầm trịch" đại gia đình. "Sống riêng, mỗi người có sự tự do riêng nhưng ông bà, con cháu vẫn gần nhau, anh em có thể chia sẻ việc nặng nhẹ, vui buồn cùng nhau" - ông Phức cho biết.
Lúc đầu, ông bà cũng định tổ chức ăn chung nhưng sau thấy đông người, sợ đóng góp không công bằng, phân chia công việc nội trợ rắc rối nên ông bà cho các cặp vợ chồng trẻ ăn riêng. "Chúng vừa có tự do lại biết cân đối thu chi trong gia đình, sống tự lập, tự chủ hơn".
Chồng bát nào cũng có lúc xô, những lúc vợ chồng các con xảy ra hiểu lầm, xích mích, ông Phức đều họp gia đình, chia sẻ, góp ý để người nóng thì nguôi giận, người sai biết lỗi. Ông cũng rất tôn trọng ý kiến của các con, khi có việc thì họp bàn, đi đến thống nhất ý kiến. "Mình chỉ phân tích thiệt hơn, nhẹ nhàng, không nóng nảy. Các con vừa nghe, vừa phục. Chứ nóng nảy, áp đặt chỉ khiến con cái bực bội, có nghe cũng chẳng lọt tai". Cách dạy tuy dung dị của ông bà lại phát huy hiệu quả tối đa. Cùng sống trong một không gian gia đình đầm ấm nhưng vẫn có "mảnh trời riêng", mỗi gia đình nhỏ đều biết tự nhìn nhau để thu vén cho mình và đóng góp công sức cùng xây dựng gia đình lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.