Hôm nay 28-6 - Ngày Gia đình Việt Nam, là dịp cả nước tôn vinh và lan tỏa tình yêu thương, các giá trị gia đình, cũng như để mỗi người nhắc nhở bản thân về trách nhiệm xây dựng, giữ gìn tổ ấm.
Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam tổ chức dịp này đã, đang góp phần khơi dậy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của xã hội.
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28-6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình và tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Sau 23 năm thực hiện, Ngày Gia đình Việt Nam đã trở thành ngày truyền thống hướng tới mục tiêu tôn vinh những giá trị tốt đẹp của dân tộc, khẳng định vai trò, vị trí của mái ấm gia đình đối với sự ổn định và phát triển chung của đất nước.
Năm nay, từ đầu tháng 6, khắp nơi trên cả nước đã sôi nổi tổ chức các hoạt động, việc làm thiết thực, ý nghĩa để khơi dậy tình yêu thương, trách nhiệm bảo vệ tổ ấm; tôn vinh, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống, củng cố sức mạnh gia đình. Một trong những hoạt động lớn là Ngày hội Gia đình Việt Nam với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng" diễn ra từ ngày 25 đến 29-6 tại thành phố Hải Phòng với sự tham dự của các địa phương, gồm: Hải Phòng, Sơn La, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định, Đắk Lắk, An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu… Chương trình có nhiều hoạt động, như: Triển lãm, trưng bày chuyên đề “Truyền thống văn hóa gia đình trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam”; liên hoan nghệ thuật với chủ đề “Niềm vui gia đình”; giao lưu “Thể thao trong gia đình Việt”…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đánh giá, Ngày hội Gia đình Việt Nam 2024 hướng đến việc tăng cường sự giao lưu, học hỏi, chia sẻ và hợp tác giữa các địa phương, gia đình trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ mới.
"Từ trung ương tới địa phương đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam, như: Tôn vinh các gia đình tiêu biểu; hội thi giao lưu sáng kiến truyền thông “Gia đình có sức khỏe - Không khói thuốc; tổ chức Ngày hội Gia đình Việt Nam... Các hoạt động tôn vinh giá trị truyền thống nhân văn sâu sắc của gia đình; khuyến khích, động viên các gia đình rèn luyện, học tập góp phần xây dựng gia đình văn hóa, xã hội văn minh, đồng thời góp phần lan tỏa tình yêu thương và trách nhiệm trong mỗi gia đình", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy bày tỏ.
Khơi dậy trách nhiệm bảo vệ tổ ấm
Sau 23 năm triển khai, Ngày Gia đình Việt Nam ngày càng trở nên quen thuộc với cộng đồng, thúc đẩy ý thức giữ gìn hạnh phúc, chia sẻ yêu thương, bảo vệ và có trách nhiệm với tổ ấm của mỗi người dân Việt Nam.
Anh Nguyễn Văn Quảng (quận Đống Đa) chia sẻ, Ngày Gia đình Việt Nam xây dựng ý thức cho mọi người về hai chữ “gia đình” với những hành động cụ thể và rõ ràng hơn như trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ trẻ em, sự quan tâm, chia sẻ đối với những người cao tuổi. Còn với chị Nguyễn Thị Loan (sinh sống tại Cộng hòa Liên bang Đức), Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để những người xa quê hướng về nguồn cội.
Trước những thay đổi của xã hội, nhiều giá trị của gia đình bị lung lay, vì thế yêu cầu xây dựng, phát huy vai trò của gia đình được quan tâm hơn bao giờ hết. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Văn hóa Thăng Long cho rằng, việc giữ gìn, bảo vệ tổ ấm không còn là mối quan tâm của riêng một cá nhân, mà đã trở thành trách nhiệm chung của toàn xã hội, sự chung tay của cả cộng đồng. Do đó, những hoạt động thiết thực được tổ chức trong Ngày Gia đình Việt Nam nhắc nhở mỗi người hướng về gia đình, ý thức rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong vun đắp, bảo vệ và xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Còn Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đánh giá, Ngày Gia đình Việt Nam là dịp để các gia đình gắn kết, chia sẻ, yêu thương; những người con đất Việt hướng về nguồn cội, về người thân, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, thì gia đình vẫn là tổ ấm yêu thương, là nơi bình yên để mỗi người tìm về.
Giá trị và ý nghĩa nhân văn của Ngày Gia đình Việt Nam chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục được nhân rộng và trở thành truyền thống văn hóa của hàng triệu gia đình Việt. Nhiều hành động, nghĩa cử đẹp đẽ của mỗi người dành cho tổ ấm, gia đình thân yêu của mình đang góp phần không nhỏ làm cho mỗi “tế bào” của xã hội ngày càng khỏe mạnh. Mong rằng, những hoạt động ý nghĩa tiếp tục được tổ chức đều đặn, bài bản hơn để việc xây dựng, phát huy văn hóa gia đình được thực hiện thành nền nếp, thường xuyên, từ đó mang đến những giá trị bền vững, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.