(HNM) - Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục mang những tác phẩm giá trị của tác giả Lưu Quang Vũ đến với khán giả, lần này là vở “Lời nói dối cuối cùng” mới được dựng lại. “Cơn sốt
Một cảnh trong vở “Lời nói dối cuối cùng”. |
Bản dựng đầu tiên được thể hiện trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ, khi tác giả Lưu Quang Vũ vừa viết xong kịch bản. Lứa diễn viên ngày ấy là Lê Khanh, Lan Hương, Đức Hải và Chí Trung, những người đã ghi dấu ấn mạnh mẽ từ vở kịch này. Chí Trung, vì thế, có nhiều kỷ niệm và duyên nợ với “Lời nói dối cuối cùng” - vở diễn mà "đã ba mươi năm trôi qua nhưng khán giả vẫn còn nhớ thương". Một lý do nữa để Chí Trung và Nhà hát Tuổi trẻ quyết định dựng vở này là kịch của Lưu Quang Vũ luôn có sức mạnh xuyên thời gian và “Lời nói dối cuối cùng”, dù là mượn câu chuyện dân gian nhưng thông điệp về đức tính trung thực vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay.
Nhưng đạo diễn cũng chịu không ít áp lực, mặc dù trước đó NSƯT Chí Trung đã thành công với việc dựng hai tác phẩm của Lưu Quang Vũ là “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng”. NSƯT Chí Trung cho biết, muốn tiếp cận khán giả hiện nay thì phải khoác cho tác phẩm một chiếc áo đương thời, nhưng không được phép “xé tung” kịch bản gốc hay ý nghĩa của lời thoại, tình huống kịch. Thế là, Chí Trung chọn cách để những người trẻ tham gia vở kịch, cảm nhận và kể lại chuyện xưa. Tác phẩm mở màn bằng những điệu nhảy, những bài hát hiphop sôi động, có lời chính là câu đồng dao xưa “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa…”. Đạo diễn giữ nguyên trục câu chuyện về “ngày nối ngày dối gian một tý…” của Cuội đã cứu Lụa khỏi bị lão chánh tổng o ép, khỏi phải làm vợ công tử Lãn lưng gù ngớ ngẩn, cứu Bờm khỏi cảnh hầu hạ khổ sở công tử Lãn, để cùng nhau lên kinh kỳ, một bước làm quan, gây rối loạn triều đình vốn đã thối nát, mục ruỗng… Song, cuối cùng, không ai trong số họ được hạnh phúc, bởi “nói dối mãi thành quen, đeo mặt nạ mãi rồi mặt nạ cũng thành mặt thật”.
Chí Trung quả là duyên trong việc làm nổi bật chất hài, sự dí dỏm của vở diễn bằng những lời thoại, những tình huống khiến khán giả cười không thôi. Như chi tiết công tử Lãn ngờ nghệch, đến sáo cũng không biết thổi mà chỉ mang ra gặm; ông vua 84 tuổi mà vẫn ham chữa bệnh hiếm muộn; hoàng hậu chiều con nuôi mới nhặt về đến mức “đánh chừa” cả cái đàn gây chói tai con; quan sử chỉ toàn ghi chép việc ăn ngủ, ho hắng và lời cãi nhau của vua với hoàng hậu… Tác phẩm cũng lấy lại nhiều lời thoại của kịch bản gốc mà ở bản dựng trước đó đã được lược đi. “Những khiếm khuyết phải được chỉ ra để xã hội, công chúng phán xét”, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - ông Trương Nhuận nói.
Ở lần đầu nhạc sĩ Quốc Trung làm âm nhạc cho sân khấu, khán giả cảm nhận được sự nhuần nhị, tinh tế của âm nhạc dân gian, nhưng không thấy sự cũ kỹ bởi cách phối bằng nhạc cụ thính phòng và điện tử, vừa hàn lâm vừa hiện đại. Điều này tạo thêm sự khác lạ cho bản dựng , giúp đạo diễn không phải "động" quá nhiều vào nội dung, câu thoại. Thiết kế sân khấu của NSƯT Doãn Bằng, với phông nền là hình ảnh cung trăng cách điệu và hệ thống bục bệ tròn, cũng tạo thêm sự sinh động cho các màn diễn. Dàn diễn viên, hầu hết là lứa trẻ đang bật lên của Nhà hát và từng được nhận nhiều huy chương sân khấu trong thời gian qua, đã phát huy được nét duyên, cái hài hước và khả năng tương tác với khán giả, tạo sức cuốn hút đáng kể. Tuy nhiên, ở vai “đinh” là Cuội, diễn viên Thanh Sơn vào "hơi... nghiêm túc quá", chưa thể hiện được hết nét láu cá, lém lỉnh của nhân vật. Có lẽ cần thời gian để anh “ngấm” về Cuội hơn chăng?
“Lời nói dối cuối cùng” được chọn là hạt nhân cho dự án “Chắp cánh niềm tin” năm thứ 3 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội và Nhà hát Tuổi trẻ, đem 100 đêm kịch miễn phí đến khán giả của 35 tỉnh, thành trên cả nước, khởi đầu từ cuối tháng 9 này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.