Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đừng để những lễ hội mất đi vẻ đẹp truyền thống

LECHUNG| 01/03/2005 14:09

thôi

(HNMĐT) - Đến hẹn lại lên, sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán người dân trong khắp cả nước lại hân hoan nô nức đi dự những ngày lễ hội. Dưới sự quản lý sát xao của các ban quản lý, các cơ sở có liên quan, lễ hội năm nay có những bước phát triển mới đáp ứng được sự mong đợi của khách thập phương. Tuy nhiên, việc chỉ quan tâm đến phần lễ mà lơ là phần hội đã mang đến những tiếng xấu cho những ngày lễ rất ý nghĩa này.

Năm nay, từ hội chùa Hương, hội Lim, hội đền Phủ Dầy khách thập phương đều đến đông hơn những năm trước tuy nhiên khách thập phương rất vui vì công tác quản lý lễ hội cũng như công tác đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự trong ngày hội là rất tốt. Việc thường xuyên đôn đốc, kiểm tra lễ hội đã mang đến cho ngày lễ một không gian lành mạnh, không có nhiều ăn trộm, ăn cắp, ăn xin, bán hàng bừa bãi tại lễ hội như những năm trước, điều này đã làm khách thập phương thực sự yên lòng để đến hội vào những năm sau. Về phần lễ, do được tuyên truyền từ trước nên năm nay phần lễ cùng không rề rà nhiều tục, nhiều lễ, hầu hết các lễ hội đều được tổ chức gọn nhẹ, đơn giản nhưng vẫn không mất đi nét truyền thống, bên cạnh đó việc làm đơn giản đã giúp khách thập phương có nhiều thời gian hơn trong việc đi tham quan các danh lam thắng cảnh của tỉnh. Tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng quá quan tâm đến phần lễ, phần tổ chức mà chưa chú tâm quản lý chất lượng phần hội đã mang đến cho khách thập phương tâm lý không thoải mái.

Sau khi đi hội Lim về, Linh - một người khách trung thành với hội Lim đã tỏ ra không vừa lòng với việc tổ chức hội trong hội Lim. Dường như ngay cả những đêm hát hội, hát trao duyên cũng đã bị thương mại hoá. Trên những đồi cây, người ta quên mất đi không gian dành cho những đôi lứa yêu nhau hẹn nhau hát trao duyên dưới những tán cây mang đầy nét duyên dáng vốn có trước đây ở những kỳ lễ hội, người ta bầy ra cơ man nào chiếu hoa, nào hàng quán đến độ các liền anh liền chị tranh thủ chưa đến lượt cũng vén áo ngồi xuống hàng. Nhìn khung cảnh đó đã thực sự làm mất đi những tình cảm tốt đẹp mà khách thập phương đã ưu ái dành cho miền đất đầy yêu thương này. Bên cạnh đó, việc căng quá nhiều quán hàng cũng đã cản trở sự gặp gỡ giao duyên và làm cho giọng hát cũng không còn được bay xa, lảnh lót như những hội trước.

Nhiều khách đến hội năm nay cũng cảm thấy câu hát ”Quan họ ở chúng em ra về không ngọt ngào được như xưa” dường như đó chỉ còn là những lời hát gấp gáp, những lời hát theo lối thương mại, hát để cho xong, hát để cho có những bài hát mang tính truyền thống mà thôi. Và còn có thể ngọt ngào được không khi những liền anh liền chị “sô” nhiều chỗ quá, tất bật quá nên tự cho phép mình gọn gàng hơn trong váy áo tứ thân quá cải tiến, tay đeo đồng hồ và khi hát trên thuyền vẫn còn léo nhéo nhận một sô khác từ một cuộc điện thoại gọi đến. Bà Giang (ở Tuyên Quang nhưng lại có một giọng hát chèo rất hay) không chịu nghe những lời hát đang làm mất dần vẻ đẹp của lối hát quan họ đã lập ngày một nhóm bạn lại quây quần hát cho vui với những làn điệu quan họ của chính mình. Giọng bà già rồi, đã bắt đầu yếu sức nhưng lại được khách tham quan ủng hộ nhiệt tình. Đâu đó trong đám người xem tấm tắc: thế mới là quan họ đấy các cháu ạ.

Hay ngay trong lễ hội Phủ Dầy, lễ hội nằm trong trục nghi lễ tháng Tám giỗ Cha tháng 3 giỗ Mẹ của đạo Mẫu nói riêng và trục lễ tiết Xuân thu nhị kỳ của lễ hội Việt Nam nói chung. Do là ngày lễ có gốc rễ gắn chặt với nông nghiệp nên các nghi lễ gắn bó với các việc như gieo cây vào mùa xuân và thu hoạch vào mùa thu. Và thường thì phần hội cũng dựa vào ý nghĩa đó đểtổ chức. Tuy nhiên, dường như sự thương mại hoá đã ngấm tận sâu vào suy nghĩ của mỗi người nên chương trình văn hoá nghệ thuật của lễ hội năm nay cũng khác hoàn toàn những năm trước. Sân khấu mất dần đi vẻ đẹp của sự trang trí truyền thống mà thay vào đó là sự nguy nga của điện của lối trang trí hiện đại. Có chăng nét truyền thống cũng chỉ là một chấm nhỏ gọi là có lệ để người xem không thắc mắc gì. Chương trình được các đài truyền hình về quay, được phát trên truyền hình nhưng những người tham gia lễ hội, những người theo dõi truyền hình cũng thấy buồn chán khi cả một chương trình thì gần 70% là các tiết mục ca nhạc, múa hiện đại. Đợi chờ mãi người xem mới được nghe một vài bài hát về lễ hội Phủ Dầy, về ngày mùa về reo hạt. Những năm trước, ca sĩ biểu diễn là những cây nhà lá vườn, là những bài hát, những trang phục mang đậm nét văn hoá truyền thống và thực sự phù hợp với không khí lễ hội thì nay các hội diễn đã được thuê các ca sĩ hiện đại với quần áo xẻ ngược xẻ xuôi, mắt xanh môi đỏ, nhảy nhót tưởng như có thể “rớt đài”. Đến với lễ hội là đến với những tập tục những điệu hát mang đầy nét dân dã vậy nhưng người xem lại gặp phải một motip thành phố với ca sĩ phố, trang phục phố và những bài hát cũng ngập đầy những ngôn ngữ yêu đương, chia tay, buồn chán...

Việc kinh doanh nhiều hơn hội cũng đã làm cho khách tham quan thấy mình bị gò bó. Đến hội Lim những cái lôi kéo khách tham quan nhất lại là những lều trại “Vui chơi có thưởng“ một hình thức ăn tiền - khách hàng biết nhưng vẫn chơi. Năm nào cũng vậy, những trò chơi đánh bạc trá hình đã ăn sâu vào quan điểm của một số người, từ một số nhỏ, rồi lôi kéo, rồi tặc lưỡi vậy là du khách bị sập lưới mà quên cả hội, quên cả hát hội và để những chiếc đu buồn tẻ đứng một mình. Không ít những du khách đến với hội không chỉ để chơi hội mà để có nhiều thời gian hơn để vui chơi theo ý của mình. Đây cũng là một quan điểm làm cho các lễ hội ngày càng mất đi vẻ đẹp truyền thống.

Việc lễ hội năm nay đã có những bước cải thiện đáng khen ngợi đó là điều đáng được ghi nhận, tuy nhiên để lễ hội thực sự là một địa chỉ để khách tham quan hướng về còn đòi hỏi nhiều hơn sự có trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và đặc biệt hơn là ở chính những người đang góp một phần công sức cho sự thành công của lễ hội. Hội cũng chính là một phần để giúp lễ hội thực sự sống mãi trong lòng du khách, việc thay đổi một số phương thức để hội ngày càng phù hợp với đời sống hiện tại là một điều nên làm, tuy nhiên không dựa vào điều đó để biến tướng hội theo một ý nghĩa khác. Các chương trình văn hoá nghệ thuật cũng vậy, cần phải được chấn chỉnh để cho khách thập phương đến hội có thể nhận biết được ý nghĩa của hội, đặc trưng của lễ hội chứ không thấy lễ hội nào cũng giống lễ hội nào, nhàng nhàng một kiểu với những chương trình đang làm mất dần đi những vẻ đẹp của lễ hội truyền thống.

Lê Chung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đừng để những lễ hội mất đi vẻ đẹp truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.