Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm 5 người tử vong, 4 người bị thương, xảy ra ngày 30-9, trên quốc lộ 20 đoạn qua địa bàn xã Phú Vinh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.
Công an huyện Định Quán đã xác định, nguyên nhân do xe khách mất lái khi vượt xe tải cùng chiều, lao thẳng vào xe 16 chỗ ngồi chạy ngược chiều. Đặc biệt, lái xe khách đang bị tạm giữ giấy phép lái xe 3 tháng do vi phạm tốc độ trước đó. Điều đó có nghĩa, lái xe không được điều khiển phương tiện lưu thông trên đường.
Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, trung bình mỗi tháng, Sở thu hồi phù hiệu khoảng 700-800 phương tiện vận tải do vi phạm quy định về tốc độ (5 lần vi phạm/tháng/1.000km). Đáng chú ý, có phương tiện trong 1 tháng vi phạm gần 1.500 lần hay một nhà xe có hàng chục phương tiện vi phạm bị thu hồi phù hiệu.
Còn theo thống kê của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông - Vận tải), trong 9 tháng của năm 2023, các sở giao thông - vận tải đã thu hồi phù hiệu của gần 470.000 ô tô kinh doanh vận tải do vi phạm tốc độ. Ngoài ra, gần 250.000 phương tiện có vi phạm tốc độ, vi phạm quá thời gian lái xe, vi phạm không truyền dữ liệu đã bị nhắc nhở.
Trong trường hợp tai nạn ở huyện Định Quán, lái xe có lỗi lớn nhưng chủ xe cũng không thể chối bỏ trách nhiệm quản lý lái xe của mình. Để hàng trăm nghìn phương tiện vận tải vi phạm tốc độ phải thu hồi phù hiệu cũng không thể không có trách nhiệm của doanh nghiệp. Để phương tiện vi phạm cả nghìn lần trong một tháng hay có hàng chục đầu xe vi phạm chắc chắn phải có lỗi của doanh nghiệp chứ không chỉ lái xe.
Thực tế, các phương tiện kinh doanh vận tải đều gắn thiết bị giám sát hành trình. Sau mỗi chuyến đi, nhà xe kiểm tra “hộp đen” của từng xe xem xét lỗi lái xe vi phạm trên đường, vì thế lái xe không thể qua mặt được chủ xe. Nếu doanh nghiệp nghiêm khắc, các lỗi như chạy quá tốc độ, dừng đỗ không đúng nơi quy đinh, chở quá tải… sẽ bị xử phạt rất nặng, từ đó lái xe chấp hành nghiêm quy định.
Ngược lại, doanh nghiệp làm ngơ, không kiểm tra, giám sát, xử lý, mới dẫn đến việc lái xe vi phạm, thậm chí vi phạm nhiều lần. Và phương tiện vi phạm cả nghìn lần/tháng hay một doanh nghiệp có hàng chục đầu xe vi phạm/tháng có nghĩa doanh nghiệp, lái xe “nhờn luật”, coi thường pháp luật.
Cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu các sở giao thông - vận tải đẩy mạnh kiểm tra, trích xuất dữ liệu giám sát hành trình trên hệ thống để phục vụ quản lý, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm, trong đó tập trung xử lý các trường hợp vi phạm quá tốc độ, không truyền dữ liệu khi xe tham gia giao thông.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần thiết phải kiểm tra, chấn chỉnh doanh nghiệp có phương tiện vi phạm từ hàng chục lần/tháng trở lên và doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm. Qua kiểm tra buộc doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện quy trình giám sát phương tiện, xử lý lái xe vi phạm, không để xảy ra dung túng, bao che. Trường hợp để phương tiện vi phạm hàng trăm lần/tháng trở lên hoặc liên tiếp bị thu hồi phù hiệu, có phương tiện vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng, cần thiết phải thanh tra hoạt động của doanh nghiệp, xem xét xử lý chủ doanh nghiệp, thu hồi giấy phép kinh doanh.
Muốn làm được việc này, bên cạnh ngành Giao thông, cần có sự phối hợp tham gia của lực lượng công an, quản lý kinh doanh, chính quyền địa phương.
Phương tiện buộc phải có thiết bị giám sát nhưng cùng với đó phải có kiểm tra, xử lý chủ phương tiện vi phạm thì mới không có chuyện “nhờn” luật và những vụ tai nạn nghiêm trọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.