(HNM) - Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về tình hình người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp sau khi hết hợp đồng lao động tại Hàn Quốc cho đến thời điểm này là trên 8.500 người trong tổng số 60.000 lao động được đưa sang làm việc tại Hàn Quốc đã làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của lao động Việt Nam và quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. |
Theo ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thì kỳ thi sát hạch tiếng Hàn dự kiến được tổ chức ngày 7-8 tới đã bị hoãn lại. Nguyên nhân Hàn Quốc đưa ra là do lượng hồ sơ tồn của số lao động đã hoàn thành kỳ sát hạch tiếng Hàn nhưng chưa xuất cảnh được hiện còn hơn 9.000 hồ sơ. Lý do thứ hai, chính là số lao động hết hợp đồng về nước của Việt Nam từ đầu năm đến nay thấp, chỉ đạt 45%, nên Hàn Quốc không thể tiếp tục nhận thêm chỉ tiêu. Đưa ra cảnh báo, ông Vũ Minh Xuyên cho rằng, nếu không quản lý được chặt chẽ số lao động đưa sang Hàn Quốc làm việc, nguy cơ mất thị trường Hàn Quốc là điều khó tránh khỏi. Và để cải thiện tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi cách thức tuyển chọn lao động và kiểm tra tay nghề lao động. Hiện tại cần điều chỉnh cách thức tuyển chọn trong hai lĩnh vực có tỷ lệ lao động bỏ trốn và xin chuyển xưởng cao là nông nghiệp và ngư nghiệp. Cụ thể: đối với lao động ngành ngư nghiệp, chỉ tuyển chọn những lao động sống bằng nghề đi biển, trên 30 tuổi ở những địa phương ít có người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc; đối với lao động ngành nông nghiệp: nghề chăn nuôi (nam giới), nghề trồng trọt (nữ giới), tuổi trên 25, làm nghề nông tại các địa phương ít có người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đồng thời, tăng cường giám sát chặt chẽ quá trình kiểm tra sức khỏe của người lao động; thiết lập mạng kết nối việc làm cho người lao động đã hoàn thành hợp đồng về nước để giới thiệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty Hàn Quốc tại Việt Nam. Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm cần tuân thủ nghiêm khắc việc kiểm tra tay nghề của lao động. Trung tâm lao động ngoài nước cần thông báo ngay cho địa phương về lao động bỏ trốn, để có biện pháp xử lý, giáo dục. Việt Nam cần tiến hành đàm phán với Hàn Quốc về một số chính sách như: áp dụng chế độ bảo hiểm hưu trí cho người lao động Việt Nam, xử phạt nghiêm minh các chủ sử dụng lao động cố tình không khai báo và tiếp tục sử dụng lao động bất hợp pháp.
Qua hơn 6 năm thực hiện Chương trình cấp phép lao động nước ngoài của Hàn Quốc, đã có gần 60.000 lao động Việt Nam sang làm việc, chiếm 25% tổng số lao động theo chương trình này tại Hàn Quốc, đứng đầu trong 15 quốc gia phái cử. Hằng năm, người lao động gửi về nước khoảng 600 triệu USD. Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh đã khiến người lao động Việt Nam bị đánh giá không tốt về ý thức lao động, về tinh thần trách nhiệm và rất có thể bị ảnh hưởng đến các chỉ tiêu tuyển dụng sau này. Vì vậy, trách nhiệm này không chỉ của riêng người lao động mà cần sự kiên quyết hơn của các cơ quan có chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.