(HNMO) – Thảo luận tại tổ chiều 24/5 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú, nhiều đại biểu nhất trí với việc quản lý dân cư qua đăng ký cư trú các dạng, nhưng đừng để hộ khẩu các dạng bị lạm dụng...
Tại đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Lê Đông Phong nhất trí với việc đăng ký quản lý các dạng cư trú, nhưng ông đề nghị, đừng biến nó thành thứ giấy phép, đừng để hộ khẩu các dạng bị lạm dụng, đừng để việc xin học, xin cấp điện, nước… đều phải dựa vào hộ khẩu.
“Tôi ủng hộ quan điểm là quản lý cư trú phải theo phát triển kinh tế xã hội, khôngo nặng về dùng các biện pháp hành chính để điều chỉnh, nếu chuyển dịch được cơ cấu kinh tế thì càng tốt”, đại biểu Phong nói.
Chung quan điểm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, việc quản lý dân cư là cần thiết nhưng phải làm sao để đảm bảo thuận lợi nhất cho dân khi đăng ký cư trú, tránh các thủ tục rườm rà. Ông cũng đề nghị xem lại tinh thần đạo đức công vụ của những người làm công tác này, bởi giờ “không được như ngày xưa”.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu Lê Đông Phong về việc quản lý cư trú. Theo ông, quản lý dân cư mà cái gì cũng dựa vào hộ khẩu như vậy là “quá lạc hậu”.
“Luật này không nên bàn sâu, vấn đề cư trú nên giao cho HĐND thành phố đó quy định, tránh tình trạng vênh nhau giữa các thành phố”, đại biểu Lịch đề xuất.
Theo đại biểu Lịch, việc bố trí dân cư có nhiều việc phải làm, chứ không phải chỉ dùng hộ khẩu. Chúng ta có thể hạn chế người dân tập trung ở các khu trung tâm bằng cách đánh thuế nhà đất, phí môi trường thật cao, còn nơi khác thì thấp.
Người dân đi làm hộ khẩu - Ảnh: Tuổi trẻ |
Các đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trần Thanh Hải cũng nhất trí, ở dự án luật sửa đổi, bổ sung, Quốc hội chỉ nên quy định những vấn đề cơ bản, như quyền và nghĩa vụ cư trú cơ bản của công dân, điều kiện đảm bảo cho việc cư trú, điều kiện đảm bảo cơ bản cho người dân cư trú được…, còn cụ thể ra sao thì tùy vào quy hoạch dân cư của từng khu vực, trình độ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Vì vậy, giao chính quyền địa phương quy định là phù hợp.
Tại đoàn Hà Nội, nhiều ý kiến góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú ủng hộ quan điểm cần phải quản lý dân cư, hạn chế tình trạng tập trung đông dân cư ở các thành phố lớn bằng các biện pháp hành chính trước mắt.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo cho rằng, mọi vấn đề phải xuất phát từ tình hình thực tiễn. Rõ ràng tại các thành phố lớn đang có mật độ dân số quá đông nên cần phải có quy định siết lại, dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú đi theo hướng này là hợp lý.
“Quản lý hộ tịch, hộ khẩu cần khoa học hơn nữa nhưng cũng cần chặt chẽ”, đại biểu Thảo nói.
Theo đại biểu Đỗ Kim Tuyến, việc giải quyết áp lực về mật độ dân số bằng cách đưa vào một số hành vi cấm cũng như quy định cụ thể hơn các điều kiện nhập khẩu là phù hợp, nhất là với Hà Nội. Theo ông, các quy định đặt ra không phải để gây khó khăn cho dân mà để có những điều kiện tốt nhất phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu Tuyến băn khoăn với quy định rằng người muốn nhập khẩu vào các thành phố lớn phải đảm bảo có diện tích nhà ở tối thiểu theo quy định, được chính quyền địa phương xác nhận.
“Quy định như vậy liệu cấp xã có quản lý được không? Nếu chúng ta không theo dõi cẩn thận sẽ là quá sức với cấp phường, xã”, ông Tuyến nói.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng, để chính quyền địa phương theo dõi việc này là quá tải. Bộ Xây dựng nên có quy định về diện tích tối thiểu, không cần để HĐND quy định.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cư trú sẽ tiếp tục được các đại biểu thảo luận tại hội trường vào ngày 8/6 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.