(HNM) - Hơn 9 năm qua, người dân ở khu phố Keo, xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) phải chung sống với con đường đầy “ổ trâu”, “ổ voi”. Trời nắng thì bụi mù mịt, mưa thì ngập bùn đất.
Con đường mưa lầy, nắng bụi qua địa bàn xã Kim Sơn. |
Sống chung với bụi và bùn lầy...
Khác với đoạn đường trải nhựa phẳng phiu, rộng rãi nối từ quốc lộ 5 đến UBND xã Kim Sơn, đến khu phố Keo (xã Kim Sơn) không còn ai hình dung được tỉnh lộ 181 (nối Hà Nội với tỉnh Bắc Ninh) lại nhếch nhác đến như vậy. Gần 1km chưa được thi công dày đặc “ổ trâu”, “ổ voi”, nhiều chỗ ăn sâu tới 40cm - 60cm. Vỉa hè hai bên bị xe tải cày xới, hệ thống rãnh thoát nước vỡ nát, nước thải tràn ra mặt đường. Người tham gia giao thông như “làm xiếc” trên đường khi phải điều khiển phương tiện uốn éo vượt qua những hố sâu đầy bùn nước. Những người dân sinh sống ở ven đường phố Keo gọi đây là “con đường… hành dân”.
Chỉ tay vào bờ ngăn bằng bê tông vừa xây vội mấy ngày qua, ông Vũ Văn Lăng (61 tuổi) ngao ngán: “Nhiều năm nay chúng tôi mất ăn, mất ngủ vì con đường này!”. Nhà ông Lăng buôn bán vật liệu xây dựng, nhiều sản phẩm dễ hư hỏng nếu bị ngấm nước, vì thế cứ mỗi trận mưa đổ xuống cả gia đình lại lo chống “lũ” từ ngoài đường tràn vào. Chung nỗi bức xúc, ông Đỗ Văn Thông buôn bán hàng tạp hóa cho biết, đường nhếch nhác, khó đi lại nên lượng khách đến mua hàng giảm 2/3. “Xe ô tô tải, xe máy đi lên cả vỉa hè, người đi bộ không dám đi lại trên con đường này” - ông Thông nói.
Vào khu dân cư phố Keo, chúng tôi càng cảm nhận được phần nào cuộc sống sinh hoạt vất vả của người dân nơi đây. Chỉ vào cánh cửa căn nhà bám kín bùn đất sau cơn mưa, chị Phạm Thị Vân - một người dân phố Keo nói: “Chỉ khi nào có việc ra ngoài, chúng tôi mới dám mở cửa nhà, còn lại phải đóng kín suốt. Điều băn khoăn của người dân phố Keo là đường xuống cấp trầm trọng nhưng khoảng một năm qua lại xuất hiện hàng trăm lượt xe container qua lại hằng ngày. Còn chị Dương Thị Kim Anh bức xúc: “Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra! Xe ô tô tải, xe container cứ ùn ùn kéo qua đây, nghe đâu họ trốn trạm thu phí. Cuộc sống của người dân cũng vì thế bị đảo lộn, nhiều gia đình đã phải sơ tán người già, trẻ nhỏ đến những nơi yên tĩnh hơn".
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 181, nối từ quốc lộ 5 đến Khu công nghiệp HAPRO (giai đoạn I) được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định 1312/QĐ-UBND ngày 10-4-2007. Dự án do Sở GTVT làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn 207,636 tỷ đồng, thời gian và kế hoạch thực hiện từ năm 2007 đến 2009. Tuy nhiên, qua hơn 9 năm, dự án vẫn chưa hoàn thành, thậm chí một số nơi chưa giải phóng mặt bằng và chưa thi công. Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Gia Lâm Hoàng Anh Tú cho biết, hiện còn 157 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Trao đổi về các thông tin liên quan, ông Đinh Trọng Hải, Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban Quản lý dự án Giao thông - Đô thị (Sở GTVT) cho biết, đến tháng 9-2013 dự án thi công cơ bản hoàn chỉnh, tuy nhiên còn một số hạng mục phải dừng lại vì không được bố trí vốn, dẫn đến nhiều đoạn còn dang dở…
...và chuyện người dân chờ nước sạch
Thời điểm hiện tại, khoảng 3.500 người dân ở 2 thôn Linh Quy Bắc và Linh Quy Đông, thuộc xã Kim Sơn đang phải sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm trầm trọng. Linh Quy Bắc, nếu nhìn bề ngoài với những ngôi nhà cao tầng hiện đại, đường bê tông khang trang, sạch đẹp ai cũng nghĩ đây là một làng quê trù phú, yên bình. Thế nhưng, người dân nơi đây đang phải đối mặt với nhiều hệ lụy khi sử dụng nguồn nước giếng khoan ô nhiễm. Ông Thọ, một người dân thôn Linh Quy Bắc cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, nguồn nước trong thôn bị ô nhiễm nghiêm trọng; 100% giếng đào, giếng khoan bị nhiễm sắt, nước bơm lên có cặn lắng, phải lọc qua nhiều lần mới sử dụng được. “Lo sợ nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiều hộ dân trong thôn đã phải đầu tư 4-5 triệu đồng để mua bình lọc nước mini phục vụ nhu cầu ăn uống. Nước dùng để tắm giặt thì lọc qua bể cát” - ông Thọ cho biết.
Theo quan sát của phóng viên, hầu hết bể lọc thủ công trong các hộ gia đình ở Linh Quy Bắc đều phủ một lớp bùn màu vàng và có mùi khó chịu. Người dân cho biết, đối với những bể lọc cỡ nhỏ thì cứ khoảng 1 tuần đến 10 ngày là phải sục rửa, thay lớp cát phía trên một lần.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Dương Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn (huyện Gia Lâm) cho biết, đến nay 100% hộ dân ở hai thôn Linh Quy Đông và Linh Quy Bắc vẫn phải sử dụng nước giếng khoan. Người dân tự khoan giếng và bơm nước lên từ độ sâu 30 - 40m để đổ vào bể lắng và bể lọc bằng cát. Về nghi vấn 3 cơ sở giết mổ gia súc gây ô nhiễm môi trường, ông Hải khẳng định:. “Hiện tại số cơ sở giết mổ gia súc giảm xuống 3 hộ và đã có giấy phép đăng ký kinh doanh giết mổ quy mô hộ gia đình. Các hộ này cũng đã xây dựng hầm bioga để xử lý nước thải và hệ thống thu gom rác”. Trả lời câu hỏi của người dân về việc đã quá lâu mà chủ trương xây dựng nhà máy nước sạch ở khu vực này vẫn chưa được hiện thực hóa? Ông Dương Văn Hải nói: Công ty Nước sạch số 2 vẫn đang trong quá trình khảo sát, nghiên cứu và tiến hành các thủ tục đầu tư dự án. Chủ trương là đầu tư theo hướng xã hội hóa, chúng tôi cũng rất mong nhà máy sớm được khởi công xây dựng để nhân dân được sử dụng nước sạch.
Về vấn đề này, bà Lê Tuyết Mai, chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Gia Lâm cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Kim Sơn đang được huyện Gia Lâm giải quyết từng bước. Trong đó, vấn đề xây dựng nhà máy nước sạch ở các xã Kim Sơn, Lệ Chi và một số vùng lân cận đã được thành phố chấp thuận. Thực tế cho thấy, câu chuyện ô nhiễm nguồn nước, rồi chủ trương xây dựng nhà máy nước sạch tại xã Kim Sơn đã được nhắc đến nhiều năm nay, tuy nhiên, mới dừng ở “khảo sát, nghiên cứu và đang tiến hành thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án”, như vậy là quá chậm so với nhu cầu bức thiết của nhân dân.
Vì một "Hà Nội xanh - sạch - đẹp" - rất cần các cấp, các ngành có trách nhiệm sớm giải quyết dứt điểm cảnh ì ạch của những dự án dở dang cũng như sớm triển khai những dự án đáp ứng nhu cầu bức xúc của cuộc sống nhân dân. Đừng để dân chờ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.