(HNM) - Điểm dừng, nhà chờ chỉ được coi như “một hợp phần đi kèm” của xe buýt. Có lẽ, chính vì vị thế “công trình phụ trợ” ấy mà hệ thống các nhà chờ xe buýt còn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của cả nhà xe, chính quyền và xã hội.
Nếu chỉ kể đến những bất tiện với hành khách khi điểm dừng, nhà chờ xe buýt không có mái che, không ghế ngồi chờ thì có thể thông cảm được. Nhưng trên thực tế, rất nhiều điểm dừng, nhà chờ đang bị chiếm dụng để bán hàng, nơi vạ vật của một số đối tượng hay thậm chí là nơi tập kết rác hoặc biến thành nhà vệ sinh công cộng bất đắc dĩ. Đôi khi, nhà chờ xe buýt vốn hữu ích cho cộng đồng lại là “cái gai” với không ít hộ kinh doanh ở phía sau và họ chỉ muốn “phá” cho bằng được…
Hệ lụy đáng buồn từ thực trạng này là sự “mất điểm” của xe buýt, vốn đang là hệ thống vận tải công cộng chủ lực hiện nay ở thành phố.
Cũng cần khẳng định, những năm qua, cùng với sự phát triển của mạng lưới xe buýt, hệ thống điểm dừng, nhà chờ ngày càng được thành phố quan tâm đầu tư. Song, xét cho cùng thì khi những bất cập, tồn tại chưa được xóa bỏ, sẽ còn không ít người dân tỏ ra ngần ngại khi lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển!
Trong Đề án nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020, định hướng 2025, Hà Nội đã nhấn mạnh các giải pháp về hạ tầng xe buýt: Rà soát, hợp lý hóa và cải tạo nâng cấp toàn bộ hệ thống các điểm dừng xe buýt để bảo đảm tính kết nối mạng lưới, thuận lợi cho khách chuyển tuyến; thí điểm triển khai các làn đường ưu tiên, dành riêng cho xe buýt trên các trục tuyến chính; đầu tư bổ sung và cải tạo toàn bộ hệ thống điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, nhà chờ xe buýt hiện có theo hướng đồng bộ về hình ảnh, văn minh hiện đại, thân thiện và tiện ích cho hành khách; xây dựng điểm trung chuyển mới ngoài Vành đai 3, kết nối giữa vận tải liên vùng và vận tải công cộng trong đô thị.
Như vậy, chủ trương đã rất rõ ràng. Vấn đề còn lại là làm thế nào để biến mục tiêu thành hiện thực? Sẽ thật khó khăn khi các vị trí dừng chờ xe buýt còn bị đặt ra ngoài quy hoạch làm đường giao thông. Chính việc không tính đến các điểm dừng chờ trong quy hoạch, thiết kế các tuyến đường phố, hay sự thiếu hợp tác của các ngành, địa phương liên quan đang gây ra nhiều khó khăn cho phát triển xe buýt. Bên cạnh đó cần có những quyết sách đột phá, cơ chế phù hợp và hành lang pháp lý thuận lợi, hấp dẫn để kêu gọi nhà đầu tư…
Hiện nay, Hà Nội đang trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh, giao thông thông minh, trong đó xe buýt là một loại dịch vụ quan trọng. Thành phố đã có Trung tâm điều hành xe buýt thông minh, hệ thống xe buýt nhanh, nhiều điểm dừng, trạm trung chuyển được đầu tư lớn, hiện đại. Song, để hướng tới xây dựng được mô hình giao thông thông minh thực thụ thì trước đó hệ thống hạ tầng cần được đầu tư đồng bộ.
Nếu các điểm dừng, nhà chờ xe buýt được quan tâm đúng mức, không còn bị coi là “đi kèm” và được đầu tư mạnh hơn, tạo bộ mặt tươi sáng, thân thiện thì sẽ tăng sức hút người dân đến với xe buýt hơn. Việc này không chỉ có trách nhiệm của ngành Giao thông, bởi nó không đơn giản chỉ là việc cắm biển, xây nhà, đặt ghế mà còn có cả trách nhiệm của nhiều ngành trong quy hoạch, kết nối hạ tầng, quản lý, an ninh trật tự…
Lâu nay, chúng ta đã nói nhiều về văn hóa xe buýt, về ý thức người dân, về chất lượng xe, thái độ phục vụ của lái, phụ xe... nhưng chắc chắn nếu xây dựng được những điểm dừng, nhà chờ mới mẻ, tiện lợi, sạch sẽ, văn minh sẽ là “điểm cộng” thu hút người dân lựa chọn đi xe buýt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.