(HNM) - Năm 2011, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã phải gồng mình ứng phó với dịch sốt xuất huyết (SXH), tay - chân - miệng (TCM)… Tuy nhiên, ngay trong những tháng đầu của năm 2012 này, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP đã diễn ra với những yếu tố khó lường.
Gần đây, bệnh viêm não mô cầu đã xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng, tính đến trung tuần tháng 2, TP có 11 ca bệnh viêm não mô cầu và đã có trường hợp tử vong. Đặc biệt là bệnh xuất hiện lẻ tẻ tại 10 quận, huyện, nếu không xử lý tốt sẽ lây lan nhanh ra xung quanh, nhất là trong môi trường tập thể như trường học, ký túc xá. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã yêu cầu TP lập đội thường trực chống dịch 24/24 giờ. Do sự phức tạp của bệnh nên sau hơn hai tháng xuất hiện, ngày 16-2, Sở Y tế mới đưa ra được phác đồ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và giám sát bệnh viêm não mô cầu.
Trong khi đó, dịch TCM, SXH vẫn là bài toán nan giải. Chỉ trong 7 tuần đầu của năm 2012, dịch SXH đã có dấu hiệu quay trở lại với hơn 1.300 ca mắc mới, tập trung nhiều nhất ở các quận 5, 7, 8, Tân Phú, Tân Bình. Dù cao điểm của SXH chỉ xuất hiện từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm nhưng diễn biến những ngày vừa qua cho thấy, TP đang thực sự đứng trước nguy cơ bùng phát một đợt dịch SXH mới trái quy luật. Với bệnh TCM, số ca nhiễm mới không những không giảm mà còn tăng chóng mặt. Chỉ riêng tuần 7 của năm 2012, Trung tâm Y tế dự phòng TP ghi nhận 124 ca, tăng 18 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2011. Bên cạnh đó, số địa phương có từ 2 ca trở lên đã là 28 phường, xã (tăng 13 đơn vị so với tuần trước) và đã có một trường hợp tử vong do bệnh TCM.
Một cảnh báo nữa cũng đáng lưu tâm là chủng cúm A/H3N2 đã xuất hiện với bệnh nhân đầu tiên đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Bệnh lây qua người từ lợn, và mặc dù chưa có bằng chứng về sự lây truyền từ người sang người nhưng ngành y tế khuyến cáo người dân cần cảnh giác vì chủng cúm A/H3N2 có khả năng biến đổi so với các năm trước. "Virus cúm H3N2 là tác nhân quan trọng gây bệnh cúm mùa. Virus này có thể trao đổi gien với một số phân chủng virus cúm A khác (H1N1, H2N2, H2N3, H5N1, H5N2...) tạo ra phân chủng mới có độc lực cao hơn, ví dụ phân chủng S-Otr H3N2. Do vậy, việc phòng, chống bệnh tránh lây lan trong cộng đồng là hết sức quan trọng" - TS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP cảnh báo.
Theo Cục Y tế dự phòng, TP Hồ Chí Minh là một trong những địa bàn có nguy cơ bùng phát cao dịch TCM trong năm 2012. Bệnh do virus đường ruột lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Có nhiều type virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều type khác nhau, đặc biệt sự lưu hành cao của type virus EV71 có nguy cơ diễn biến phức tạp, bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ gây tử vong. Ngành sẽ lập các trung tâm huấn luyện điều trị bệnh nhân TCM tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhiệt đới TP để tập huấn chuyên môn về điều trị, chăm sóc cho các bệnh viện tuyến dưới. Riêng với các chủng cúm A, người dân cần chú ý phòng bệnh bằng cách không giết mổ hoặc chăm sóc trực tiếp lợn, gia cầm bệnh, có dấu hiệu chảy nước mũi, biếng ăn...; tránh tiếp xúc trực tiếp với người đang sốt, ho, chảy mũi, khi tiếp xúc gần phải mang khẩu trang. Không nên mua thịt lợn, gia cầm chưa rõ nguồn gốc, chế biến không chín... Với bệnh SXH, trong khi tiến hành song song công tác vệ sinh môi trường ở các khu dân cư, ngành y tế TP đã yêu cầu phường, xã nào có 3 ca SXH trở lên phải khoanh vùng dập dịch ngay. Các cơ sở y tế tuyến đầu cũng phải có phương án bố trí nhân lực, vật lực để sẵn sàng dập dịch, chữa trị bệnh nhân khi có yêu cầu.
TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cho biết, sớm nhất cũng phải đến năm 2016 vắc xin phòng SXH mới được nghiên cứu hoàn chỉnh và đưa ra thị trường. Trong khi đó, bệnh TCM, viêm não mô cầu vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu… Đây là khó khăn mà ngành y tế sẽ phải đối mặt lâu dài trong khi dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của người dân, mà còn tác động đến các ngành kinh tế khác, đặc biệt là du lịch. Trong bối cảnh ấy, rõ ràng công tác ngăn ngừa, xây dựng ý thức phòng bệnh trong cộng đồng phải đi trước một bước, chứ không chờ có dịch rồi mới "ra quân".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.