(HNM) - Việt Nam bước vào nền kinh tế thị trường, với hoạt động sản xuất hàng hóa trên cơ sở cạnh tranh muộn hơn so với nhiều quốc gia. Đến nay, số lượng sản phẩm nổi tiếng, đạt thương hiệu quốc tế còn hiếm; phải mất thời gian, công sức để hình thành, rồi “bói” mãi mới xuất hiện. Nói vậy để thấy thương hiệu của hàng hóa là quan trọng thế nào đối với mỗi doanh nghiệp (DN) cụ thể và xét rộng hơn đó cũng là quyền lợi, sự hãnh diện của cả nền kinh tế.
Thời hội nhập quốc tế, việc xây dựng kết hợp bảo vệ thương hiệu càng phải đặt lên hàng đầu nhằm bảo đảm quyền lợi của DN chân chính. Tuy nhiên, sự xâm hại thương hiệu gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như quản lý của cơ quan chức năng vẫn diễn ra. Đơn cử, từ năm 2014, khi Liên minh Châu Âu (EU) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc cũng là lúc sản phẩm này được xác nhận đạt đẳng cấp quốc tế - là niềm tự hào của người dân, DN đảo Phú Quốc.
Theo Bộ Công Thương, đây là dấu ấn tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho DN nước mắm Phú Quốc, nhất là tại 28 nước thành viên EU, đồng thời cũng là cái cớ để người dân, đối tác EU tìm hiểu, hợp tác kinh tế và kết nối du lịch với Phú Quốc. Lợi ích là rất đáng kể khi lượng nước mắm của Phú Quốc đã bán ra thị trường đạt 450.000 lít, với giá bán tăng 30-50% so với thời điểm trước năm 2014. Do lợi ích thiết thực như kể trên mà đến nay hoạt động sản xuất nước mắm sử dụng thương hiệu “Phú Quốc” đã trở thành phong trào, với sản lượng đầu ra rất lớn và để ngỏ khả năng xem nhẹ về chất lượng. Đặc biệt, một số DN chân chính cảnh báo thực tế đã xuất hiện hiện tượng có đơn vị sử dụng từ “Phú Quốc” trên vỏ chai nước mắm mà chưa được quyền sử dụng vì chưa đủ điều kiện. Điều này gây hiểu lầm và thiệt hại cho DN và cả người tiêu dùng, bởi những sản phẩm đó chưa được bảo đảm chất lượng. Nếu tình trạng này lan rộng sẽ có nguy cơ làm hỏng hình ảnh, danh tiếng của sản phẩm nước mắm Phú Quốc.
Được biết, cơ quan quản lý đang vào cuộc, ủng hộ DN làm ăn nghiêm túc, có sản phẩm bảo đảm chất lượng “Phú Quốc”, cũng như khuyến cáo các đơn vị khác đừng vì lợi nhuận trước mắt mà đánh đổi thương hiệu của quê hương. Bất kể sự xâm hại nào, dù vô tình hay hữu ý đều là sự phá hoại đối với lợi ích chung nên cần ngăn chặn, xử lý kịp thời. Dư luận đang theo dõi và việc giải quyết vấn đề này thế nào xin chờ các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Tuy nhiên, đừng để xảy ra tình trạng “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.