Đức có kế hoạch giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine vào năm tới, bất chấp lo ngại rằng sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev có thể giảm đi nếu ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Theo dự thảo ngân sách năm 2025 được Reuters tiết lộ, viện trợ của Đức cho Ukraine sẽ giảm xuống còn 4 tỷ euro (4,35 tỷ USD) vào năm 2025 từ mức khoảng 8 tỷ euro vào năm 2024.
Đức hy vọng Ukraine có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu quân sự của mình bằng khoản vay 50 tỷ USD từ số tiền thu được bởi các tài sản bị đóng băng của Nga đã được Nhóm G7 chấp thuận...
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 17-7: "Nguồn tài chính của Ukraine được đảm bảo trong tương lai gần nhờ các công cụ của châu Âu và các khoản vay của G7".
Washington đã thúc đẩy việc "trả trước" các khoản vay để cung cấp cho Ukraine một khoản tiền lớn ngay lập tức.
Theo giới quan sát, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đồng ý với ý tưởng này một phần vì nó làm giảm nguy cơ Ukraine bị thiếu tiền nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Tuần này, hồi chuông cảnh báo đã vang lên khắp châu Âu sau khi ứng cử viên Tổng thống Trump chọn Thượng nghị sĩ JD Vance - người phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine làm ứng viên Phó Tổng thống và cảnh báo châu Âu sẽ phải phụ thuộc ít hơn vào Mỹ.
Ông Trump đã hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ giới chức phương Tây vì cho rằng ông sẽ không bảo vệ các quốc gia không đạt được mục tiêu chi tiêu quốc phòng của liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nguồn dự trữ vũ khí của quân đội Đức, vốn đã cạn kiệt sau nhiều thập kỷ thiếu đầu tư, lại càng cạn kiệt hơn nữa do cung cấp vũ khí cho Kiev. Cho đến nay, Berlin đã tài trợ 3 hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, giúp giảm số lượng hệ thống Patriot ở Đức xuống còn 9 hệ thống.
Mặc dù viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ bị cắt giảm, Đức vẫn tuân thủ mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2025, với tổng số tiền 75,3 tỷ euro.
Vài ngày sau cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát năm 2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz công bố kế hoạch "Zeitenwende", nghĩa là “bước ngoặt lịch sử”, để lập quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ euro cho phát triển quân đội.
Từ quỹ đặc biệt này sẽ có thêm 22 tỷ euro cho quốc phòng, cộng thêm 53,3 tỷ euro trong ngân sách thường xuyên, nhưng vẫn ít hơn mức mà Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius mong muốn. Ngân sách quốc phòng dự kiến sẽ tăng thêm 1,3 tỷ euro so với năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức 6,7 tỷ euro mà ông Pistorius yêu cầu.
Do chi phí hoạt động hằng năm ngày càng tăng, Bộ Quốc phòng buộc phải cắt giảm hơn một nửa đơn đặt hàng đạn dược cho năm 2025, giảm chi phí mua sắm 260 triệu euro, cùng chi phí nghiên cứu và phát triển hơn 200 triệu euro.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.