(HNM) - Cơ quan quản lý năng lượng của Đức vừa tuyên bố đình chỉ quá trình phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) - một đường ống dẫn khí đốt dưới biển chạy từ Nga đến châu Âu. Động thái này được xem là tạo thêm những rào cản mới cho dự án đang gây ra nhiều tranh cãi, đồng thời làm tăng giá khí đốt tại Lục địa già.
Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 hoàn thành vào đầu năm nay sau nhiều tháng trì hoãn vì cần sự chấp thuận của nhà chức trách Đức trước khi đưa vào sử dụng. Vấn đề bắt nguồn từ quyền sở hữu nước ngoài đối với cơ quan quản lý đường ống. Cơ quan quản lý năng lượng của Đức (Bundesnetzagentur) trong tuyên bố ngày 16-11 cho biết, theo luật pháp Đức, họ chỉ cấp chứng nhận đường ống nếu Công ty Nord Stream 2 AG, có trụ sở tại Thụy Sĩ nhưng thuộc sở hữu của Gazprom (một công ty khí đốt tự nhiên của Nga), thành lập một công ty con tại Đức để quản lý hoạt động của đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 phần chạy qua nước Đức.
Theo tờ Financial Times, Nord Stream 2 AG đang trong quá trình thành lập một công ty con tại Đức để sở hữu và vận hành đoạn đường ống đi qua nước này nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành. Bundesnetzagentur cho biết, việc chứng nhận dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ bị đình chỉ đến khi tất cả tài sản và nhân viên có liên quan được chuyển giao cho công ty con của Nord Stream 2 AG tại Đức. Alan Riley, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, nỗ lực thành lập một công ty con cho đoạn đường ống dài 33km ở Đức thực sự là một cố gắng của Nga. Tuy nhiên, ngay cả khi Ủy ban châu Âu chấp thuận kế hoạch này, một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) là Ba Lan - nước phản đối Dòng chảy phương Bắc 2, vẫn phản đối vì cho rằng đây là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng châu Âu.
Đây là rào cản mới nhất đối với Dòng chảy phương Bắc 2, dự án có trị giá 10 tỷ euro (tương đương 12 tỷ USD), vốn bị đình trệ trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và nhiều nước phương Tây. Đường ống dẫn khí đốt ở biển Baltic được thiết lập để tăng gấp đôi nguồn cung khí đốt (55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm) của Nga cho Đức và các quốc gia khác ở châu Âu mà không cần sử dụng đường ống chạy qua Ukraine. Đức cho rằng, dự án là cần thiết để giúp nước này chuyển đổi nguồn năng lượng, tiến tới loại bỏ than đá và năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu cũng như đồng minh quan trọng của EU là Mỹ phản đối và cho rằng đường ống sẽ làm gia tăng sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga. Một số quốc gia cáo buộc Nga giữ lại nguồn cung cấp khí đốt bổ sung cho châu Âu để gây áp lực buộc Đức phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Mặc dù vậy, Điện Kremlin đã phủ nhận điều này.
Sau khi Bundesnetzagentur đình chỉ phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2, thị trường giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu tăng vọt, điển hình là mức tăng hơn 17% ở Vương quốc Anh. Châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt vào mùa đông, làm dấy lên mối lo ngại về mức suy giảm công nghiệp trên diện rộng do nhiều nhà máy phải ngừng hoạt động vì thiếu năng lượng. Điều này cũng sẽ tác động rất lớn tới chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình.
Giá khí đốt đã đạt mức cao kỷ lục trong những tháng gần đây, bắt nguồn từ sự thiếu hụt nguồn cung năng lượng trên toàn cầu. Ông Jeremy Weir - Chủ tịch Tập đoàn đa quốc gia Trafigura (chuyên kinh doanh kim loại và năng lượng, trụ sở chính tại Singapore) cảnh báo rằng, châu Âu có thể đối mặt với tình trạng mất điện trong mùa đông năm nay. Nếu không có chiến lược năng lượng dài hạn, giá dầu có thể tăng kỷ lục, với mức giá 100 USD/thùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.