(HNM) - Trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 tại Đức đang có chiều hướng bùng phát mạnh trở lại khi số ca nhiễm mới gia tăng hằng ngày, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Karl Lauterbach đã khởi động chiến dịch với khẩu hiệu "Tôi tự bảo vệ mình", qua đó kêu gọi người dân đi tiêm chủng vắc xin mũi thứ tư (mũi tăng cường thứ hai) nhằm giảm số người lây nhiễm cũng như các trường hợp bệnh trở nặng trong mùa thu và mùa đông.
Bộ trưởng Karl Lauterbach nhấn mạnh, việc tiêm chủng và phòng ngừa dịch bệnh hiện nay đang chưa được thực hiện một cách tốt nhất - điều này dẫn tới số ca mắc bệnh tăng nhanh trên cả nước và số ca tử vong cũng gia tăng trong khi nhiều bệnh viện có nguy cơ rơi vào tình trạng quá tải. Ông cũng cảnh báo, đại dịch đang quay trở lại, đồng thời kêu gọi các bang sớm có thêm các quy định về việc đeo khẩu trang trong không gian kín, và cho rằng các loại vắc xin mới, thuốc men cho người bệnh, cũng như dữ liệu chính xác hơn chính là công cụ để kiểm soát đại dịch vào mùa thu và mùa đông. Tuyên bố của ông Karl Lauterbach được đưa ra trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở Đức đạt trên 76% (tính tới hết ngày 14-10), trong đó số người tiêm cơ bản 2 mũi đạt 76%, số người tiêm 1 mũi tăng cường đạt 62% và 2 mũi tăng cường chỉ đạt 10,5%. Tuy nhiên, vẫn còn trên 22% dân số chưa tiêm chủng.
Tại châu Á, giới chức y tế Ấn Độ phát đi cảnh báo về mối đe dọa mới từ biến thể Omicron BF.7 đột biến nhanh và độc hại hơn, sau khi Trung tâm Nghiên cứu công nghệ sinh học Gujarat phát hiện trường hợp đầu tiên trong nước nhiễm biến thể này. Các chuyên gia y tế cộng đồng tại quốc gia đông dân thứ nhì thế giới cũng khuyến cáo, người dân phải thận trọng, vì các biến thể BF.7 và BA.5.1.7 của Omicron được cho là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng mạnh số ca mắc gần đây ở Trung Quốc, đã khiến giới chức Trung Quốc phải áp đặt các biện pháp phong tỏa ở nhiều tỉnh, thành phố. Ấn Độ kêu gọi người dân phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng, chống Covid-19 phù hợp để tránh gia tăng số ca mắc.
Tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin bày tỏ lạc quan rằng, nước này sẽ có thể chấm dứt đại dịch Covid-19 nếu số ca bệnh không tăng đột biến từ nay đến tháng 2-2023. Đồng thời bày tỏ hy vọng các quy trình y tế và chương trình tiêm chủng hiện tại sẽ được duy trì và đại dịch sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần tại Indonesia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.