(HNM) - Mô hình thư viện lưu động (TVLĐ) với nguồn tài liệu đa dạng, phong phú được sắp xếp khoa học trên những chiếc xe ô tô chuyên dụng, lăn bánh về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở nhiều tỉnh, thành phố đã góp phần quan trọng cho việc xây dựng xã hội học tập, tạo lập nền tảng tri thức cho cộng đồng, thu hẹp dần
Học sinh Trường Tiểu học Vân Hòa (Ba Vì) hào hứng với thư viện lưu động. |
Thiết thực xây dựng xã hội học tập
Ngày 7-10 vừa qua, thấy xe TVLĐ mang biển số 30X-2965 của Thư viện Hà Nội về, hàng trăm học sinh Trường Tiểu học Vân Hòa (Ba Vì) phấn khởi ùa ra đón. Đoàn TVLĐ đã chia ra thành các nhóm đọc sách, báo, nhóm vẽ tranh, tô màu, nhóm truy cập internet… phục vụ học sinh địa phương. Ngoài Trường Vân Hòa, “bánh xe tri thức” còn đến với Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh, Phú Châu (Ba Vì) và nhiều trường tiểu học khác trên địa bàn TP Hà Nội vào dịp cuối tuần. Anh Nguyễn Quang Phương, cán bộ quản lý Thư viện huyện Ba Vì cho biết, hệ thống thư viện trường học, đặc biệt là thư viện bậc tiểu học ở huyện Ba Vì hiện chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn tài liệu ít, trang thiết bị, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu, nên các cháu rất thích khi được khám phá kho tri thức phong phú trên những chuyến xe lưu động. Trung bình mỗi điểm đến ở huyện Ba Vì, TVLĐ phục vụ 500-600 học sinh tiểu học.
Chị Phạm Thu Hạnh, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ và Phong trào cơ sở (Thư viện Hà Nội) cho biết thêm, mô hình “Thư viện lưu động - Bánh xe tri thức” được triển khai trên địa bàn Hà Nội từ năm 2011 đến nay. Thời gian đầu, thư viện hoạt động nhờ nguồn tài trợ của Quỹ Quốc tế Singapore và Tập đoàn Keppel Land với vốn tài liệu là 1.500 đầu sách, truyện bằng tiếng Việt và tiếng Anh, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi, 7 máy tính, máy chiếu, ti vi… Kết thúc dự án hỗ trợ, Thư viện Hà Nội tiếp tục duy trì hoạt động, đưa TVLĐ đến các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội.
“TVLĐ đã đến gần 200 điểm trường, phục vụ khoảng 18 vạn học sinh. Ngoài việc hỗ trợ mượn, trả sách như thư viện truyền thống, cán bộ thư viện còn kể chuyện, hướng dẫn các em sử dụng máy tính, tham gia trò chơi mang tính giáo dục… Các hoạt động này vừa góp phần nâng cao tri thức, đời sống văn hóa tinh thần cho thiếu nhi vùng ngoại thành, vừa giúp các em biết cách sử dụng thư viện hiện đại, hình thành thói quen đọc và tự học”, chị Phạm Thu Hạnh nhận định.
Cùng với Hà Nội, tỉnh Yên Bái, Kiên Giang và TP Hồ Chí Minh cũng đã triển khai mô hình TVLĐ thành công. Mới đây, tỉnh Sơn La, Quảng Nam, Gia Lai, Nghệ An và Kiên Giang được Bộ VH-TT&DL bàn giao xe TVLĐ do Tập đoàn Vingroup tài trợ với mục đích “đưa ánh sáng tri thức” đến với đồng bào vùng khó khăn.
Cần thêm sự sáng tạo
Vừa hoạt động, vừa rút kinh nghiệm, các TVLĐ ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng phục vụ. Ngoài vốn tài liệu ban đầu, “Thư viện lưu động - Bánh xe tri thức” ở Hà Nội thường xuyên được bổ sung sách, báo, tổ chức thêm các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phù hợp với đối tượng bạn đọc là các cháu thiếu nhi. Tuy nhiên, xe ô tô lưu động sau nhiều năm vận hành đã bắt đầu hỏng hóc, trang thiết bị cũ dần trong khi kinh phí dành cho việc nâng cấp xe, bổ sung nguồn tài liệu và tổ chức các hoạt động thường xuyên cho TVLĐ chưa có.
“Lứa tuổi thiếu nhi rất hiếu động, thích tìm tòi, khám phá điều mới mẻ, cho nên các hoạt động dù bổ ích đến đâu mà cứ lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc tổ chức thiếu hấp dẫn cũng khó thu hút các cháu”, bà Vương Thị Lý, Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội cho hay. Bà Lý cũng tin tưởng, nếu có nhiều xe TVLĐ hơn, trang thiết bị hoàn thiện hơn, tổ chức các hoạt động bổ trợ phong phú hơn, số lượng và đối tượng bạn đọc của TVLĐ chắc chắn sẽ mở rộng hơn vì hiện nay TVLĐ mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của học sinh bậc tiểu học. Đây cũng là nỗi băn khoăn, trăn trở của Thư viện tỉnh Yên Bái, TP Hồ Chí Minh… sau một vài năm thực hiện mô hình TVLĐ.
Xe TVLĐ Bộ VH-TT&DL vừa bàn giao cho 5 tỉnh, tuy phong phú về nguồn tài liệu, hiện đại về trang thiết bị, có thể phục vụ cả người khiếm thị, nhưng số lượng còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Ông La Đình Nghĩa, Giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Nam chia sẻ: “Đời sống của đa số người dân vùng nông thôn, miền núi tỉnh Quảng Nam cũng như nhiều tỉnh khác còn khó khăn về giao thông, kinh tế, văn hóa. Trong hoàn cảnh đó, xe TVLĐ đến đâu sẽ đưa tri thức khoa học, tiến bộ tới đó. Những người làm công tác thư viện hy vọng mô hình này ngày càng phổ biến, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho đồng bào”.
Khẳng định tính hiệu quả của TVLĐ, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu thư viện các tỉnh, thành phố đẩy mạnh hoạt động truyền thông, huy động các nguồn lực, tổ chức các hoạt động phụ trợ thiết thực, bổ ích để mỗi điểm dừng của TVLĐ là một điểm văn hóa, những ngày cộng đồng được tiếp xúc, khám phá TVLĐ là những ngày hội văn hóa. “Cán bộ thư viện hãy đặt mình vào vị trí của những người dân vùng sâu, vùng xa lần đầu tiếp xúc với thư viện mà phục vụ. Chỉ có bằng cách này, văn hóa đọc mới len lỏi vào cộng đồng, trở thành ngày hội của cộng đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.
Như vậy, ngoài số lượng xe lưu động và nguồn tài liệu cần được bổ sung, thì cái tâm, trách nhiệm, sự sáng tạo của những cán bộ thư viện cũng là yếu tố quan trọng đưa mô hình TVLĐ hoạt động hiệu quả và ngày càng nhân rộng, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.