Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định vị thương hiệu “Việt Nam - Điểm đến du lịch văn hóa”

Hoàng Lân| 14/04/2023 16:26

(HNMO) - Ngày 14-4, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức “Diễn đàn Du lịch năm 2023 - Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam”. Diễn đàn cũng là chủ đề chính của Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM 2023.

Tạo thương hiệu đặc trưng

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá, du lịch và văn hóa ngày càng có mối quan hệ tác động lẫn nhau. Từ du lịch và thông qua du lịch, nhiều di sản văn hóa, di tích lịch sử đã được quy hoạch, tu bổ, bảo quản, khôi phục bằng nhiều biện pháp khác nhau. Nhiều làng nghề truyền thống được chấn hưng và phục hồi. Ngược lại, nhờ vào nền tảng văn hóa, là các di sản, di tích, lễ hội… hoạt động du lịch ngày càng hấp dẫn du khách.

Diễn đàn "Phát triển Du lịch văn hóa Việt Nam".

Câu chuyện lấy văn hóa làm cốt lõi để phát triển du lịch, mang đến nhiều lợi ích được chứng minh bằng nhiều sản phẩm du lịch ra mắt gần đây. Giám đốc Công ty Du lịch SGO Travel Lê Thị Thu Trang chia sẻ: Du lịch Bắc Giang khởi sắc trong 2 năm trở lại đây, khi phát triển nhiều dòng sản phẩm du lịch văn hóa. Hiện, các sản phẩm du lịch kết nối Hà Nội - Bắc Giang với các tour: Tây Yên Tử, khám phá miệt vườn và làng nghề, thử làm người quan họ… đang được nhiều du khách Hà Nội mua tour trải nghiệm.

“Nhu cầu của du khách ngày càng cao, đòi hỏi nhiều ở nội dung của những chuyến du lịch chứ không đơn thuần chỉ là cảnh đẹp điểm đến. Để hướng đến khách quốc tế (Inbound) thì phải làm du lịch văn hóa”, bà Trang đánh giá.

Là một trong những điểm đến thành công với sản phẩm du lịch văn hóa, Phó Trưởng phòng Giáo dục, công chúng (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) Nguyễn Thị Định cho biết: Từ năm 2021, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp Công ty Du lịch bền vững Vgreen xây dựng nhiều sản phẩm du lịch văn hóa như: Tour caravan “Tây Bắc - Mùa ban nở”, tour caravan “Trở về cội nguồn - Linh thiêng đất tổ”, tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour ngắm hoa gạo tháng 3…

“Du lịch văn hóa là nền tảng để xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức hút lâu bền, đặc biệt với khách quốc tế”, bà Nguyễn Thị Định bày tỏ.

Cần từng bước định vị điểm đến du lịch văn hóa để thu hút khách du lịch. (ảnh internet)

Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm du lịch văn hóa đã trở thành thương hiệu đặc trưng, tạo nên sự khác biệt. Nhiều điểm đến có di sản văn hóa thế giới đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam, như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên - Huế), Khu di tích Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (Quảng Nam), Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, tour đêm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Di sản Hoàng thành Thăng Long (Thủ đô Hà Nội)…

Để mang lại nguồn thu lớn...

Năm 2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới trao giải “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới”, cho thấy vai trò to lớn của giá trị văn hóa trong việc định vị, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng, phát triển du lịch văn hóa dù đã được chú trọng nhưng việc khai thác dòng sản phẩm này chưa xứng với tiềm năng. Nhiều di sản, di tích chưa được ứng xử đúng để xây dựng thành thương hiệu giàu sức hút.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch Tạ Quang Đông, từ trước đến nay, du lịch mới khai thác văn hóa trên khía cạnh các di sản vật thể, các điểm di tích. Khách du lịch còn thiếu các sản phẩm nghe, nhìn hấp dẫn, các sản phẩm du lịch chưa cung cấp phong phú kiến thức văn hóa truyền thống, con người Việt Nam.

Để phát triển du lịch văn hóa một cách hiệu quả, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, các địa phương cần ban hành kế hoạch triển khai cụ thể trên cơ sở thế mạnh di sản văn hóa của mình; cần ưu tiên phát triển sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn.

Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, cần từng bước định vị thương hiệu "Việt Nam - Điểm đến du lịch văn hóa" bằng những sản phẩm riêng biệt.

Trưởng khoa Du lịch (Đại học Văn hóa Hà Nội) Bùi Thanh Thủy đề xuất, ưu tiên phát triển 8 dòng sản phẩm du lịch: Du lịch di tích lịch sử - văn hóa; du lịch tâm linh; du lịch lễ hội; du lịch làng nghề; du lịch văn hóa ẩm thực; du lịch nghệ thuật công cộng; du lịch văn hóa tộc người; du lịch cảnh quan văn hóa đảm bảo tính cạnh tranh.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đang thực hiện hai dự án gồm: “Việt Nam huyền sử diễn ca” - chương trình biểu diễn nghệ thuật áp dụng công nghệ hiện đại để quảng bá sâu rộng văn hóa truyền thống của Việt Nam và dự án Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Định vị thương hiệu “Việt Nam - Điểm đến du lịch văn hóa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.