(HNM) - Hoa, cây cảnh là thú chơi tao nhã, là nét văn hóa của người Hà Nội. Thúc đẩy sản xuất hoa, cây cảnh phát triển thành ngành kinh tế sẽ nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí xung quanh vấn đề này.
- Ông có thể đánh giá về tiềm năng phát triển sản xuất hoa, cây cảnh với vai trò một ngành kinh tế của Thủ đô?
- Có thể nói, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn Hà Nội đã đổi thay rõ rệt, nhiều vùng quê trở thành điểm du lịch trải nghiệm, thưởng ngoạn hấp dẫn. Để thúc đẩy kinh tế nông thôn, Hà Nội có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp; trong đó, hoa, cây cảnh là một sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của thành phố.
Trên thực tế, sản xuất hoa, cây cảnh không đòi hỏi quá nhiều về đất đai, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; dễ áp dụng công nghệ mới và cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, theo thống kê của Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN& PTNT), nhu cầu về hoa, cây cảnh trên thị trường ngày càng tăng cao (tăng bình quân khoảng 15%/năm). Hà Nội có thị trường tiêu thụ rộng lớn, lại là trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước nên có lợi thế để phát triển hoa, cây cảnh một cách bài bản.
- Vậy, ông có thể cho biết Hà Nội đã phát triển các vùng trồng hoa, cây cảnh như thế nào?
- Thống kê đến hết năm 2020, thành phố có 7.960ha trồng hoa, cây cảnh, trong đó 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt trung bình 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm.
Hà Nội đã công nhận 11 làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh. Ví dụ, tại huyện Thường Tín có các làng nghề sinh vật cảnh ở thôn Cơ Giáo và thôn Xâm Xuyên (xã Hồng Vân); thôn Nội Thôn (xã Vân Tảo); tại huyện Mê Linh có làng nghề hoa, cây cảnh thôn Hạ Lôi và thôn Liễu Trì (xã Mê Linh), thôn Đại Bái (xã Đại Thịnh); tại huyện Gia Lâm có làng nghề hoa giấy Phù Đổng (xã Phù Đổng); tại quận Bắc Từ Liêm có làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (phường Tây Tựu)…
- Bên cạnh kết quả đạt được, có nhận định hoa, cây cảnh ở Hà Nội phát triển chưa tương xứng với tiềm năng cũng như vai trò của một ngành kinh tế, vậy đâu là rào cản, thưa ông?
- Có thể thấy, từ trung ương đến địa phương đều có chính sách hỗ trợ phát triển hoa, cây cảnh nhưng áp dụng vào thực tiễn còn nhiều khó khăn, bất cập. Bên cạnh việc quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh hoa, cây cảnh để phát triển thành một ngành kinh tế sinh thái chưa được nhiều địa phương quan tâm, chú trọng thì chính sách về ứng dụng công nghệ cao cũng chưa thực hiện được rộng rãi.
Cụ thể, việc khuyến khích các chủ thể sản xuất hoa, cây cảnh đang thực hiện theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP ngày 24-5-2018 của Chính phủ chưa tạo được đột phá do quy định về mức hỗ trợ còn thấp (50% giá trị giống, vật tư). Mặt khác, đầu tư cho các vùng sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao cần vốn lớn. Trong khi đó, việc định giá tài sản là hoa, cây cảnh để lập phương án vay vốn ngân hàng còn khó khăn.
- Vậy Hà Nội sẽ làm gì để tháo gỡ những bất cập nêu trên, đưa hoa, cây cảnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?
- Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” xác định, thành phố sẽ tăng diện tích hoa, cây cảnh từ 8.500ha đến 9.000ha. Thời gian tới, mục tiêu của thành phố là quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, trong đó có làng nghề hoa, cây cảnh; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.
Hà Nội cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT rà soát, tháo gỡ những “nút thắt”; bổ sung, sửa đổi, tạo đột phá về cơ chế, chính sách..., từ đó, thúc đẩy ngành nghề hoa, cây cảnh phát triển với tầm mức của một ngành kinh tế. Thành phố cũng đã đề nghị các hội, hiệp hội ngành hoa, cây cảnh phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm định giá hoa, cây cảnh, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thiết lập bản đồ số về hoa, cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý, giám sát... Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo các huyện, thị xã làm tốt công tác quy hoạch, phát triển hoa, cây cảnh thành một ngành kinh tế góp phần cải thiện môi trường nông thôn cũng như xây dựng đô thị tại địa phương.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.