(HNMO) - Chiều 28-3, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Thành tích đến đâu, khen thưởng đến đó
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo về dự kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) với 268 lượt ý kiến phát biểu thảo luận ở Tổ, 34 lượt ý kiến phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường và 8 ý kiến bằng văn bản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung chủ yếu của dự thảo luật.
Theo báo cáo thì có một số nhóm vấn đề còn ý kiến khác của đại biểu Quốc hội như: Về việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” (Điều 26); vấn đề khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến; việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (Điều 51 và Điều 55 dự thảo Chính phủ trình Quốc hội); vấn đề xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, trong quá trình thảo luận, có hai loại ý kiến về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Trong đó, loại ý kiến thứ nhất thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo Luật. Vì thế, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” được tặng hoặc truy tặng thanh niên xung phong tham gia thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ có thời gian tại ngũ liên tục từ 2 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng. Thanh niên xung phong hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đã được công nhận liệt sĩ có thời gian tại ngũ 1 năm trở lên thì được truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, dự thảo Luật có 8 nhóm điểm mới chủ yếu gồm: Thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây. Đặc biệt là đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến).
Khen thưởng đối tượng lao động trực tiếp
Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung thảo luận vào một loạt vấn đề còn ý kiến khác nhau. Bày tỏ tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo Luật, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) đánh giá cao việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng. Theo đại biểu, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, nhà khoa học thực sự xứng đáng được khen thưởng vì thành tích đóng góp của mình. Tuy nhiên, một số quy định hiện hành về tiêu chuẩn khen thưởng cho doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước chưa cụ thể, khó áp dụng và đang điều chỉnh bằng văn bản dưới luật.
“Tôi đề nghị, nếu có thể thì quy định ngay trong luật những nguyên tắc cơ bản về thẩm quyền trình khen thưởng, đặc biệt đối với doanh nghiệp tư nhân làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết sau này”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết, Ban Tổ chức Trung ương đã có Đề án, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14-KL/TƯ ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ, trong đó yêu cầu biểu dương, khen thưởng xứng đáng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao vì lợi ích chung.
“Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn trong giai đoạn hiện nay, cần phải được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật. Nhất là trong bối cảnh một số cán bộ, đảng viên đang có dấu hiệu “chùng xuống”, không dám làm gì chứ chưa nói đến dám chịu trách nhiệm. Có nhiều biện pháp để khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhưng tôi cho rằng biện pháp khen thưởng là biện pháp thiết thực và có nhiều yếu tố tích cực”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn thành phố Hà Nội) bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Mai Thị Phương Hoa và đại biểu Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn thành phố Hà Nội) về việc khen thưởng cần chú trọng đến các lao động trực tiếp. Đại biểu cho rằng: “Một số chi tiết trong Luật Thi đua, khen thưởng dù đã quy định điều kiện khen thưởng cho người lao động trực tiếp như công nhân, nông dân, nhưng đối tượng chưa đầy đủ, tiêu chuẩn chưa cụ thể, định lượng thấp, nên tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp thấp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra, dẫn đến hiện tượng "Đường sữa phát từ trên xuống, cày cuốc phát từ dưới lên".
Theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, việc quan tâm nhiều hơn đến đối tượng lao động trực tiếp đã tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời, các quy định của pháp luật về những người lao động trực tiếp sẽ đi vào cuộc sống và thực chất hơn, qua đó động viên, khích lệ kịp thời về cả tinh thần và vật chất đối với những cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo động lực để cá nhân cống hiến nhiều hơn nữa, mang lại giá trị cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo đã phát biểu tiếp thu, giải trình và làm rõ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu. Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị đó, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và chỉnh lý các kiến nghị; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để dự thảo được hoàn thiện một cách tốt nhất. Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đến nay, cơ quan soạn thảo cùng với các đơn vị liên quan của Quốc hội đã cơ bản hoàn thiện hệ thống thi đua, khen thưởng, chế định thẩm quyền và phân cấp trong khen thưởng… Trong đó, việc thi đua khen thưởng được tập trung vào khu vực ngoài nhà nước, khu vực vùng sâu, vùng xa, người lao động trực tiếp; đồng thời khắc phục tình trạng “cộng dồn thành tích” và “lũy kế thành tích”.
Phát biểu kết luận phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại phiên họp, đã có 30 đại biểu phát biểu ý kiến với tâm huyết và trách nhiệm cao. Trong đó, đa số ý kiến đại biểu đánh giá cao các cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự thảo luật và đã tiếp thu, chỉnh lý để phù hợp với thực tiễn hơn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: “Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổng hợp các ý kiến thảo luận và có báo cáo giải trình, tiếp thu gửi các đại biểu Quốc hội cũng như các cơ quan liên quan để tiếp thu giải trình và hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp thứ ba sắp tới”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.