(HNM) - Thời gian gần đây, tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã trở nên đáng báo động, bằng chứng là số vụ vi phạm lấn chiếm và xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ ngày càng gia tăng…
Dự án căn hộ 4S2 Linh Đông có diện tích 3,4ha do Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Thành Trường Lộc làm chủ đầu tư, đã đóng cừ tràm, san lấp không phép lên hành lang bảo vệ rạch Gò Dưa, phường Linh Đông, quận Thủ Đức. |
Số vụ việc vi phạm tăng 385%
Có mặt dọc các tuyến sông Sài Gòn, Chợ Đệm - Bến Lức, Kênh Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, rạch Gò Dưa, Giồng Ông Tố… vào một ngày đầu tháng 4, chúng tôi thấy có nhiều công trình xây dựng nhà ở, cửa hàng kinh doanh mọc san sát nhau trên hành lang an toàn đường sông. Tại các quận giáp trung tâm TP như Bình Thạnh và quận 2, số vụ vi phạm khá phổ biến. Tại quận Bình Thạnh, từ phường 13 kéo dài đến phường 28 có khoảng 6 trường hợp xây nhà lấn chiếm hành lang bờ sông Sài Gòn. Cụ thể tại km 243+245 đường Ung Văn Khiêm, phường 25 đã xuất hiện căn nhà 4 tầng diện tích gần 1.000m2 nằm trong hành lang bảo vệ. Ngay cả Trung tâm Điều dưỡng cai nghiện ma túy Thanh Đa nằm trên đường Bình Qưới, phường 28, cũng tự ý đóng cừ tràm dài khoảng 60m. Điều đáng lưu tâm là tại khu vực này tháng 7-2011 đã xảy ra sạt lở 32m2 diện tích bờ sông (tính từ mép bờ hiện hữu trở vào). Trong khi đó, tại quận 2, chỉ tính riêng tuyến rạch Giồng Ông Tố đã có ít nhất 8 trường hợp lấn chiếm hành lang, đơn cử như gia đình bà Nguyễn Phương Dung (lô L, khu phố 2, phường An Phú) đã xây nhà trong hành lang bảo vệ khoảng trên 100m2. Không riêng nhà dân mà các DN cũng đua nhau lấn chiếm, trong đó có Công ty TNHH Minh Thành (số 1 đường 11, khu phố 4, phường An Phú) đã xây dựng cầu dẫn bằng sắt dài gần 7m và bờ kè bằng bê tông cốt thép dài khoảng 70m trên tuyến rạch.
Lãnh đạo phường An Phú cho hay, các trường hợp vi phạm đều được UBND phường ghi nhận và gửi hồ sơ lên quận xử lý; đối với trường hợp Công ty Minh Thành, lực lượng Thanh tra Xây dựng quận và phường đã có văn bản yêu cầu tháo dỡ, tuy nhiên, đơn vị này mới chỉ tháo dỡ phần cầu dẫn, còn bờ kè vẫn để nguyên trạng. Lãnh đạo phường khẳng định sẽ phối hợp với quận để xử lý triệt để. Tuy nhiên, điều đáng nói là trụ sở UBND quận 2 tọa lạc ngay trên địa bàn phường này, vậy mà tình trạng lấn chiếm hành lang đường thủy vẫn tràn lan và công khai.
Ngoài việc bị các DN và nhà dân lấn chiếm, các tuyến bờ sông, kênh, rạch còn bị chiếm dụng làm nơi buôn bán, kinh doanh. Điển hình là dọc bờ sông Sài Gòn thuộc các quận 1, 2, 4, 7, Bình Thạnh, Thủ Đức… hàng loạt quán cà phê giải khát, quán nhậu mọc san sát, không chỉ ảnh hưởng tới hành lang an toàn sông mà còn gây ô nhiễm nguồn nước.
Trong năm 2011, Sở GTVT đã phát hiện 97 trường hợp vi phạm, tăng 385% so với năm 2010. Cơ quan chức năng cũng đã xử lý 31 trường hợp vi phạm.
Xử lý thiếu kiên quyết
Theo thống kê của Trạm Quản lý đường thủy nội địa số 4, số vụ lấn chiếm hành lang an toàn đường thủy trên địa bàn đơn vị quản lý (quận 2, 9, Bình Thạnh và Thủ Đức) đến nay còn tồn đọng trên 60 vụ, trong đó có những trường hợp vi phạm từ năm 2004 đến nay. Mặc dù trạm đã nhiều lần gửi công văn tới chính quyền các địa phương; nhưng cho tới nay công tác xử lý vẫn chưa dứt điểm, thậm chí vi phạm còn đang có chiều hướng gia tăng.
Ông Phan Hoàng Trí - Phó Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa (Sở GTVT) cho biết, nguyên nhân khiến tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường thủy diễn ra khá phổ biến chủ yếu do sự thiếu ý thức của người dân; đa số các vụ việc đều xảy ra ở các hộ gia đình nghèo, xây dựng tạm bợ lều tranh, nhà lá trên hành lang. Ngoài ra, còn tình trạng vi phạm vì lợi nhuận trước mắt của không ít hộ kinh doanh. Đáng nói là việc xử phạt của chính quyền địa phương còn thiếu kiên quyết và chưa quan tâm đúng mức, dẫn tới việc bỏ sót nhiều trường hợp lấn chiếm, gây bức xúc cho người dân. Lực lượng chức năng của địa phương còn yếu về chuyên môn và thiếu về nhân lực, gây khó khăn cho việc phát hiện và xử lý vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.