(HNM) - Hôm qua 3-8, sau 3 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, kỳ họp thứ hai, HĐND TP Hà Nội khóa XV đã bế mạc. Tại kỳ họp, HĐND thành phố đã xem xét nhiều vấn đề quan trọng gắn với tiến trình phát triển của thành phố cũng như những bức xúc của người dân từ cuộc sống thường ngày.
HĐND thành phố đã thông qua 10 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2016. Xin được trích một đoạn trong bức thư của GS.TS Nguyễn Hữu Chí, Chủ tịch Hội Cơ học Hà Nội - một trong rất nhiều cử tri của Thủ đô vừa gửi về Báo Hànộimới để cảm nhận về thành công kỳ họp này: "Các vị đại biểu và lãnh đạo thành phố đã hiểu được tâm tư, nguyện vọng của cử tri Thủ đô, vạch ra những việc cần làm và kế hoạch lâu dài. Dường như Thủ đô ta đang bước vào thời kỳ "Đổi mới" lần thứ hai sau 30 năm kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI".
Sau thành công của hội nghị, điều cử tri quan tâm nhất vẫn là làm sao các nghị quyết này phải sớm đi vào cuộc sống, tạo ra những động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn. Tại kỳ họp HĐND lần này, UBND thành phố đã báo cáo về 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện từ nay đến cuối năm. Đồng thời cũng thể hiện rõ quan điểm: Người dân là chủ thể, là đối tượng của chính quyền phục vụ. Người dân là mục tiêu của chính quyền phục vụ. Và sự hài lòng của người dân cũng chính là thước đo đánh giá hiệu quả của chính quyền...
Nhưng dưới góc độ người dân, những giải pháp, quan điểm ấy phải làm sao sớm thể hiện bằng những con số cụ thể. Đơn cử như trong việc phát triển doanh nghiệp (DN) - xương sống của phát triển kinh tế. Hiện nay nguồn thu từ DN chiếm tới 60% tổng thu ngân sách trên địa bàn. Hà Nội đang có khoảng 120.000 DN hoạt động, và 5 năm tới thành phố đặt mục tiêu có 200.000 DN và đương nhiên sẽ phải dựa vào 130.000 hộ kinh doanh cá thể và 3.000 hợp tác xã. Chỉ cần 50% trong số này thành công thì Hà Nội sẽ có 70.000 DN và nguồn thu từ đây cũng sẽ là rất lớn. Vấn đề đặt ra với thành phố lúc này là phải làm "cầu nối" giữa DN với các ngân hàng, thực hiện cam kết hỗ trợ cho DN, tạo các cơ chế, môi trường thúc đẩy đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp...
Sáu tháng vừa qua, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực kinh tế đã cải thiện rõ nét từ những thủ tục về thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, điện lực... Lãnh đạo thành phố đã dành nhiều thời gian nghe tâm tư của các nhà đầu tư, trực tiếp giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, những cải cách chưa đạt hiệu quả tối ưu, chưa lan tỏa, thẩm thấu thật sự tới cộng đồng DN.
Hà Nội chỉ có thể trở thành điểm đến thân thiện của giới đầu tư khi bộ máy hành pháp có sự chuyển mình trong các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư; thời gian tiếp cận hạ tầng điện, nước sạch, đất đai, xây dựng, giá thuê đất… Và điều mang yếu tố quyết định hơn cả vẫn là thái độ của các cơ quan công quyền, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức đang hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với cộng đồng DN. Phải có quyết tâm cao, giải pháp mới cùng kế hoạch hành động theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả” thì mới tạo ra những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa.
"Hy vọng rằng trong thời gian không xa, mọi người dân Hà Nội sẽ sống trong môi trường "ăn sạch, uống sạch, thở sạch" và ngủ ngon trong các khu phố, những làng quê khi đêm về" - cử tri Nguyễn Hữu Chí đã bày tỏ niềm hy vọng, niềm tin son sắt vậy. Niềm tin ấy đang thôi thúc mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cá nhân phải hành động mạnh mẽ hơn để đưa các nghị quyết của Đảng, của HĐND sớm phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.