(HNM) - Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII kết thúc, các cấp ủy, tổ chức Đảng trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đưa ra giải pháp nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Từ hai quan điểm chỉ đạo lớn gồm: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, các cấp ủy Đảng đặt quyết tâm chính trị cao đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà:
Cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm chính trị cao, nói đi đôi với làm
Những nội dung mà Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII quyết nghị có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu như: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới.
Để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết, các cấp ủy Đảng quận Thanh Xuân xác định công tác cán bộ phải là khâu then chốt. Do đó, theo tôi, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm chính trị cao, nói đi đôi với làm, sâu sát, gắn bó với nhân dân góp phần xây dựng quận Thanh Xuân ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên:
Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, huyện Đông Anh sẽ tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, trước hết phải từ giữ vững nền nếp sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ theo quy định. Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là tự phê bình và phê bình phải gắn liền với siết chặt kỷ luật, kỷ cương và phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Mọi hoạt động, sinh hoạt, công tác xây dựng Đảng phải bảo đảm mục tiêu tổ chức Đảng được củng cố cả về tư tưởng, chính trị và tổ chức. Từng đảng viên phải xác định rõ bổn phận, trách nhiệm của mình, không ngừng phấn đấu và rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống… để Đảng ta tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phúc Thọ Đoàn Tuấn Anh:
Tăng cường kiểm tra, giám sát trong Đảng
Thực tiễn khẳng định, ở đâu hoàn thành tốt nhiệm vụ, mục tiêu, thì ở đó, tổ chức của Đảng trong sạch, vững mạnh, toàn thể cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng. Để sớm đưa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII vào cuộc sống, huyện Phúc Thọ tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng từ chi bộ, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát trong Đảng để kịp thời phát hiện, xử lý những cấp ủy, đảng viên vi phạm quy định, nguyên tắc sinh hoạt Đảng.
Chúng tôi cũng đề cao việc thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng nhân sinh quan cách mạng cho đảng viên, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những cá nhân ưu tú để tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp.
Bà Nguyễn Thị Thanh, đảng viên Chi bộ số 19, phường Đức Giang (quận Long Biên):
Xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện từ gốc
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bàn và thống nhất cao về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo tôi, đây là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Thời gian gần đây, nhiều vụ án lớn đã được đưa ra ánh sáng. Thực tế này cho thấy quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc làm trong sạch bộ máy; xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện từ gốc. Người dân tin tưởng, sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương sẽ tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bà Đỗ Thúy Oanh, Tổ trưởng tổ dân phố số 11, phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm):
Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất
Một trong những nội dung được dư luận quan tâm tại hội nghị lần này đó là Trung ương đã ban hành Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa đất nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Trung ương khẳng định, phải khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục nạn đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây bức xúc dư luận. Đây chính là những vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất đai cần được xử lý dứt điểm để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.