(HNM) - Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch và xác định quyết tâm “không có đường lùi” trong việc đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận trong năm 2023 và năm 2024. Nhưng không vì thế mà việc thực hiện nóng vội, qua loa. Tinh thần chỉ đạo của thành phố là đã đưa huyện lên quận thì phải có cả “danh” và “thực”.
Điều kiện thuận lợi
Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đến năm 2025, thành phố phấn đấu đưa 5 huyện thành quận. Cụ thể hóa nghị quyết, căn cứ kết quả rà soát đánh giá, nhất là về tính khả thi trên cơ sở thực lực của các địa phương, thành phố đã tập trung chỉ đạo đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận vào năm 2023-2024. Cụ thể, theo Kế hoạch số 68/KH-UBND, ngày 3-3-2023, của UBND thành phố, trong năm nay, hai huyện phải trình thành phố Đề án, báo cáo HĐND thành phố thông qua để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua vào năm 2024.
Đến thời điểm này, hai huyện Đông Anh, Gia Lâm đạt hầu hết các tiêu chí theo quy định. Trong đó, huyện Đông Anh đạt 26/31 tiêu chí; huyện Gia Lâm đạt 28/31 tiêu chí. Trong các tiêu chí chưa hoàn thành, với Đông Anh, tiêu chí khó khăn, đòi hỏi thời gian và nguồn lực đầu tư lớn đó là, tỷ lệ nước thải sinh hoạt trên địa bàn huyện được thu gom, xử lý bằng các biện pháp công trình phù hợp mới đạt 13,9% (chỉ tiêu là ≥ 50%) và tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị mới đạt 2,45 kh/km2 (chỉ tiêu là 10 kh/km2)...
Còn với huyện Gia Lâm, khó khăn cần tháo gỡ trước hết là quy hoạch, vì khoảng 40% diện tích đất trên địa bàn chưa được quy hoạch đất đô thị. Huyện đã đề xuất và được thành phố đưa vào điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, hiện chờ Chính phủ chấp thuận. Huyện cũng còn tiêu chí về trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia, trong đó có Trường Trung học phổ thông Cao Bá Quát và Dương Xá đang chờ công nhận. Ngoài ra, một số tiêu chí như tăng trưởng trung bình 3 năm gần nhất, tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cần có sự thống nhất về mặt tính toán số liệu...
Đối với xã, thị trấn, cả hai địa phương còn có khó khăn. Trong đó, huyện Đông Anh có 10/24 xã chưa đạt tiêu chí “đất công trình giáo dục mầm non và phổ thông cơ sở”; 2 xã chưa đạt tiêu chí “sân luyện tập (≥3.000m2)” và 5 xã chưa đạt tiêu chí “chợ hoặc siêu thị”... Tại huyện Gia Lâm, có 4 xã rất khó đạt tiêu chí về cân đối thu chi ngân sách...
Dù cần nỗ lực hơn nữa, nhưng qua các cuộc làm việc, lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành cũng cho biết về hướng giải quyết những khó khăn nêu trên. Mới đây, tại cuộc làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với huyện Gia Lâm, lãnh đạo các sở, ngành liên quan khẳng định sẽ theo sát tình hình, hỗ trợ huyện khắc phục khó khăn để hoàn thành các tiêu chí còn lại. Đơn cử, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc về tiêu chí trường chuẩn quốc gia, để sớm xem xét, công nhận các trường: Trung học phổ thông Cao Bá Quát, Dương Xá...
Lãnh đạo các huyện đều xác định rõ quyết tâm trình UBND thành phố Đề án thành lập quận, đúng kế hoạch để bảo đảm mục tiêu lên quận trong năm 2023-2024.
Vươn lên bằng nội lực
Bên cạnh việc xác định ủng hộ và hết sức tạo điều kiện, ưu tiên về nguồn lực để 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận trước, 3 huyện còn lại gồm: Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng hoàn thành hồ sơ năm 2025, lãnh đạo thành phố đặc biệt yêu cầu, quá trình đưa các huyện lên quận phải bảo đảm thực chất, phải có cả “danh” và “thực”.
Đáng chú ý, lãnh đạo thành phố dẫn chứng từ bài học kinh nghiệm khi có huyện lên quận phát triển đô thị rất nhanh, như quận Nam Từ Liêm, nhưng bình quân thu nhập vẫn thấp; thu ngân sách địa phương phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất đai. Cho nên, đối với các huyện, trước hết là Gia Lâm, Đông Anh, sau này là Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng phải tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là phải khơi mở nguồn lực về văn hóa, trước hết là các di tích văn hóa, lịch sử, các lễ hội, làng nghề sẵn có.
Đơn cử như huyện Gia Lâm, theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, huyện có hơn 300 di tích, trong đó có 2 di tích gắn với hai trong “Tứ bất tử” của Việt Nam là Phù Đổng Thiên Vương và Chử Đồng Tử, nhưng chưa phát huy được giá trị to lớn này để thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ và sinh kế cho người dân, tạo nguồn thu cho địa phương. Đối với huyện Đông Anh, sở hữu di tích Cổ Loa độc đáo với hàng loạt truyền thuyết, huyền tích đầy sức hút nhưng khả năng khai thác nguồn lực văn hóa biến thành sức mạnh về thương mại, dịch vụ vẫn còn... tiềm ẩn.
Một vấn đề quan trọng, theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, các huyện phải rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ huyện, xã, thị trấn; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng ngay mới có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bởi vì, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành một xã rất khác với một phường. “Đây là vấn đề không phải xin ai, các đồng chí hoàn toàn chủ động, nên phải làm ngay”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.
Trên thực tế, thời gian qua, thành phố đã dành ưu tiên đầu tư cho các địa phương này; nhưng có những dự án khâu chuẩn bị đầu tư thuộc trách nhiệm của huyện, nhưng lại làm chưa nhanh. Các dự án nâng cấp, xây dựng mới bệnh viện tại huyện Gia Lâm là ví dụ.
Thực tế đang đặt ra yêu cầu đối với các huyện là phải đổi mới tư duy và hành động. Mấu chốt là tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bởi lên quận thực chất phải bằng nội lực, không ai có thể làm thay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.