Là một trong những địa phương “đầu tàu” trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua 15 năm thực hiện, Hà Nội đã và đang có nhiều giải pháp kết nối, lan tỏa hàng Việt chất lượng cao đến gần hơn với người tiêu dùng.
Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Anh Tuấn về vấn đề này.
- Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đến nay, Hà Nội đạt được kết quả gì, thưa ông?
- Sau 15 năm triển khai thực hiện, Ban Chỉ đạo các cấp, ngành và các tổ chức đoàn thể đã tập trung chỉ đạo toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; đồng thời triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, tổ chức hoạt động về liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố. Qua đó, góp phần tích cực vào việc kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp hàng Việt, góp phần thúc đẩy Thủ đô phát triển.
Thông qua cuộc vận động, quyền lợi của người tiêu dùng được quan tâm, doanh nghiệp được tạo điều kiện qua các cơ chế, chính sách của thành phố. Các sản phẩm hàng Việt qua cuộc vận động cũng được đông đảo người tiêu dùng biết, tin dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai cuộc vận động trên địa bàn thành phố vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động trong hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô chưa được quán triệt sâu rộng. Chất lượng, mẫu mã và giá của nhiều hàng hóa Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn gây bức xúc và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.…
- Thưa ông, hiệu quả triển khai cuộc vận động của Ban Chỉ đạo tại các địa phương thuộc thành phố trong việc đưa cuộc vận động tới với mỗi người dân như thế nào?
- Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố, hằng năm, Ban Chỉ đạo quận, huyện, thị xã tích cực tuyên truyền cuộc vận động đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn về cuộc vận động thông qua các hình thức đa dạng, phong phú như: Phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích, pano, khẩu hiệu; các buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị, các buổi tập huấn… Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, cùng các tầng lớp nhân dân trong việc hưởng ứng thực hiện cuộc vận động được nâng cao.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã đã phối hợp các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, chợ hoa xuân, các chuyến xe, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng xa trung tâm; phối hợp với chính quyền cung cấp, hỗ trợ các doanh nghiệp xác định, lựa chọn địa điểm bán hàng thuận lợi để nhân dân, người tiêu dùng đến tham quan, mua sắm nhằm quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng Việt trên địa bàn dân cư; đôn đốc việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương...
Với sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo cuộc vận động các địa phương, sức lan tỏa mạnh mẽ của cuộc vận động đã góp phần củng cố niềm tin và xu hướng dùng hàng Việt trong nhân dân, từ đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá thị trường...; góp phần cùng Đảng và Nhà nước kiềm chế lạm phát, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
- Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai ngày càng hiệu quả, người tiêu dùng biết đến và ủng hộ hàng Việt, giải pháp được thành phố triển khai trong thời gian tới là gì?
- Để nâng cao hiệu quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo cuộc vận động thành phố chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch công tác gắn với nhiệm vụ chính trị của Thủ đô; tiếp tục tập trung vào 5 nhóm giải pháp cơ bản.
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và đông đảo người dân trong tình hình mới.
Thứ hai, phối hợp với UBND thành phố tăng cường đối thoại, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, ban hành chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu dùng trong nước; cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Thứ ba, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, phát triển mạng lưới phân phối, kích cầu nội địa.
Thứ tư, chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường đổi mới, chấn chỉnh các hoạt động kiểm tra, quản lý thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lợi dụng chính sách ưu đãi, kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam của Nhà nước để trục lợi, kinh doanh, tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thứ năm, tiếp tục triển khai Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” với các điểm mới nhằm lựa chọn được những sản phẩm chất lượng và khích lệ, động viên doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong đó, Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu vẫn là công tác tuyên truyền theo hướng phát hiện, tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao, kết nối cung - cầu, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến gần hơn với người tiêu dùng.
- Chân thành cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.