(HNM) - Hội sách Mùa thu năm nay được tổ chức trang trọng, bước đầu nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ giới làm sách và độc giả. Điểm nhấn của không gian văn hóa bổ ích này chính là hàng chục gian hàng giới thiệu những cuốn sách phong phú về nội dung, hình thức để phục vụ bạn đọc.
Tại mỗi gian hàng, sách được sắp xếp theo từng chủ đề. Bên cạnh đó là hàng loạt các sự kiện như giao lưu giữa độc giả và tác giả, tọa đàm về các vấn đề thời sự, giới thiệu sách..., tạo nên một không gian giao lưu văn hóa của người dân Thủ đô nói riêng và những người yêu sách nói chung.
Nhìn đông đảo người dân đổ về Hội sách Mùa thu thấy mừng vì bạn đọc không thờ ơ với sách, thấy vui vì văn hóa đọc dường như vẫn còn bám rễ rất chắc trong đời sống. Đây quả là tín hiệu đáng mừng. Rõ ràng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, dù xã hội ngày càng phát triển cao hơn, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức trong thư viện điện tử hay qua mạng internet, thì sách vẫn không thể mất đi giá trị truyền thống lâu đời vốn có của nó.
Thực tế cho thấy, sách có những đặc thù riêng mà không một loại hình văn hóa nào có thể thay thế được. Các hội chợ sách nói chung và Hội sách Mùa thu được tổ chức quy mô ngày một lớn, tần suất ngày một dày hơn trong vài năm gần đây phần nào giúp mang sách tới nhiều người hơn, văn hóa đọc của người dân được nâng lên. Tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển, người Việt Nam vẫn còn ít đọc sách. Do vậy, việc tạo nên các không gian cho văn hóa đọc đang là giải pháp hữu hiệu để khuyến khích và truyền cảm hứng đọc sách cho cộng đồng, nhất là giới trẻ.
Để nâng cao văn hóa đọc, ngoài việc định hướng cho người đọc nói chung, cần có sự vào cuộc của cả xã hội. Trong đó, cần quan tâm đặc biệt tới công tác tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ đọc sách không phải là theo trào lưu mà giúp nâng cao nhận thức, tích lũy tri thức.
Ngay từ khi còn nhỏ việc đọc cần sự định hướng, hướng dẫn đúng đắn từ gia đình, nhà trường. Đặc biệt là từ góc độ gia đình, sự quan tâm, hướng dẫn chỉ bảo của bố mẹ sẽ tạo cho giới trẻ thói quen đọc sách lành mạnh và những kỹ năng cần thiết để lựa chọn sách đọc. Từ dây, thói quen đọc sách của người dân được hình thành, nâng cao, kỹ năng đọc được bồi đắp, góp phần xây dựng một xã hội học tập.
Về phía đội ngũ sáng tác cần sự sáng tạo, đổi mới về nội dung và hình thức tạo nên tác phẩm có giá trị cao, thu hút độc giả. Bên cạnh đó cần sự trao đổi giữa tác giả và bạn đọc để đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của công chúng trong tiếp nhận tri thức.
Môi trường đọc cũng là một trong những giải pháp quan trọng tạo hứng thú cho người đọc và thúc đẩy văn hóa đọc phát triển. Trong đó, cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng trang thiết bị hiện đại hơn nữa cho các thư viện và hỗ trợ xây dựng thói quen đọc tại thư viện, siêu thị sách, đầu tư tổ chức nhiều hơn nữa ngày sách, các hội sách, phố sách, đường sách... Cùng với đó là phát triển loại hình chuyển phát nhanh, mang sách đến với vùng sâu, vùng xa góp phần xây dựng thị hiếu đọc lành mạnh cho công chúng.
Đọc sách là một trong những cách thức quan trọng giúp chúng ta nâng cao kiến thức, sự hiểu biết, phát triển tư duy và giáo dục, rèn luyện nhân cách con người. Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân chính là động lực và công cụ chủ yếu để tiến tới xây dựng một xã hội học tập. Hội sách Mùa thu cũng như nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá sách khác cũng không nằm ngoài mục tiêu ấy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.