Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa Bảo tàng Hà Nội trở thành địa chỉ văn hóa “không thể bỏ qua” khi tới Thủ đô

Nguyễn Thanh| 23/02/2023 18:02

(HNMO) - Chiều 23-2, tại Bảo tàng Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố quyết định chuyển chủ đầu tư dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội; nghe báo cáo kết quả công tác năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của Bảo tàng Hà Nội. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị.

​  Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu chỉ đạo.

Thông tin tại hội nghị, thời gian qua, Bảo tàng Hà Nội tập trung triển khai các nhiệm vụ trưng bày thường xuyên; đồng thời đẩy mạnh hoạt động trưng bày, triển lãm, truyền thông quảng bá thương hiệu. Theo đó, kể từ tháng 7-2022 mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 đến nay, Bảo tàng Hà Nội đã tổ chức và phối hợp tổ chức hàng chục sự kiện, hoạt động văn hóa tiêu biểu như các trưng bày: “Hà Nội - đất trăm nghề”, “Nếp xưa”, “Hà Nội 1972 - Khát vọng hòa bình”, tranh nghệ thuật “Con đường”, không gian nghệ thuật sáng tạo “Ego”…, thu hút gần 70 nghìn lượt khách tham quan cùng 350 nghìn lượt tương tác trên các trang mạng xã hội. Song song với đó, đơn vị duy trì hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động; tăng cường sưu tầm, huy động hiến tặng tài liệu, hiện vật phục vụ công tác trưng bày, làm giàu kho dữ liệu…

Theo Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà, đến thời điểm hiện tại, Bảo tàng đã đáp ứng đủ số lượng tư liệu, hiện vật cần thiết cho trưng bày thường xuyên, với gần 8 nghìn tư liệu, hiện vật. Phần nội dung trưng bày cũng đã hoàn tất, với 7 chủ đề lớn, 33 tiểu chủ đề phản ánh đầy đủ, chi tiết và sâu sắc về dặm dài lịch sử Thăng Long - Hà Nội, chỉ còn chờ thiết kế thi công hoàn thiện, để triển khai thực tế. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, đến giờ nội dung quan trọng này vẫn chưa được hoàn thành, gây khó cho bảo tàng thúc đẩy các bước tiếp theo. Ngoài ra, một số hạng mục trong nội dung thiết kế trưng bày, trên thực tế chưa có đơn giá định mức (ví dụ như: Chú thích hiện vật, đồ họa hiện vật, dựng video clip…), khiến bảo tàng lúng túng trong triển khai, thực hiện.

Tại hội nghị, đại diện các ban, ngành, đơn vị liên quan đã họp bàn chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong triển khai các phần việc tại Bảo tàng Hà Nội, đồng thời đề xuất giải pháp “gỡ khó” cho công tác triển khai nội dung trưng bày thường xuyên nói riêng; đẩy mạnh hoạt động thông tin truyền thông quảng bá thương hiệu cho điểm đến văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, Bảo tàng cần xây dựng kịch bản truyền thông riêng, bài bản; công tác truyền thông phải chủ động, “đi trước”, có lớp lang; có đội ngũ năng động và chuyên nghiệp; đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ban, ngành liên quan hỗ trợ, hướng dẫn triển khai, thực hiện những nội dung còn vướng mắc về quy định, thủ tục, đơn giá…

Hàng chục sự kiện, hoạt động văn hóa tiêu biểu được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội kể từ khi mở cửa trở lại đến nay.

Tại hội nghị, UBND thành phố Hà Nội đã công bố quyết định thành lập Phòng 5 thực hiện dự án thuộc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội - đơn vị trực tiếp tiếp nhận dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội; yêu cầu đơn vị tiếp nhận, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai ngay các phần việc. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Cần rà soát lại các loại hợp đồng, giám sát, thúc đẩy các nhiệm vụ, phối hợp kiểm tra, kịp thời tháo gỡ, đề xuất tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, chậm nhất đến năm 2024, phải hoàn thiện được phần nội dung trưng bày ngoài trời và khu vực trưng bày tầng hai...”.

Song song với đó, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hỗ trợ, hướng dẫn Bảo tàng Hà Nội triển khai có hiệu quả việc số hóa hiện vật, mời chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết, có trình độ tư vấn nội dung xung quanh nhiệm vụ này. Đặc biệt, Bảo tàng Hà Nội cần chú trọng đầu tư cho công tác truyền thông, có kế hoạch, mục tiêu riêng qua từng năm để nâng cao chất lượng, hiệu quả quảng bá hình ảnh văn hiến, văn hóa của Thủ đô thông qua thiết chế bảo tàng, đưa Bảo tàng trở thành địa chỉ văn hóa “không thể bỏ qua” khi tới thăm Hà Nội. Chẳng hạn, bảo tàng có thể tự đặt ra cho mình chỉ tiêu phấn đấu xây dựng được chương trình, sự kiện, hoạt động văn hóa là điểm nhấn ấn tượng, trở thành một trong 10 sự kiện văn hóa trong năm của thành phố.

“Bảo tàng hiện đang sở hữu khối hiện vật đồ sộ, trong đó mỗi hiện vật chứa đựng một câu chuyện văn hóa, lịch sử đặc sắc. 8 nghìn hiện vật là cả 8 nghìn câu chuyện trong đó. Với vai trò là trung tâm nghiên cứu khoa học, nơi lưu trữ, phản ánh câu chuyện văn hóa lịch sử độc đáo của Hà Nội, Bảo tàng cung cấp cho công chúng điều gì phía sau những hiện vật này? Điều gì đọng lại sau những chuyến tham quan, chiêm ngưỡng hiện vật quý giá đó? Bảo tàng cần có các giải pháp, kế hoạch cụ thể vấn đề này”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa Bảo tàng Hà Nội trở thành địa chỉ văn hóa “không thể bỏ qua” khi tới Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.