(HNMO) - Ngày 25/5, thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhiều đại biểu cho rằng, các điều luật còn mang tính hoạch định chính sách, khuyến khích, thiếu chế tài đi kèm.
Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, kèm theo dự án luật đã được điều chỉnh.
Góp ý cho dự án luật, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của UBTV Quốc hội nhưng cũng chỉ ra nhiều điểm cần phải bổ sung, hoàn thiện để dự án luật phát huy hiệu quả khi đưa vào thực thi.
Đại biểu Vũ Quang Hải - Hưng Yên nhận xét, luật này còn thiếu khá nhiều các yếu tố cần và đủ về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm chế tài trong việc buộc các tổ chức, cá nhân thực hiện năng lượng tiết kiệm hiệu quả, có khá nhiều điều chỉ mang tính hoạch định chính sách, khuyến khích mà thiếu xác định trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ đặc biệt các chế tài được đưa ra là quá ít.
Đại biểu Hải cũng đề nghị làm rõ quy định về chế độ sử dụng năng lượng trọng điểm do Chính phủ quy định.
“Luật giao cho Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh hàng năm căn cứ vào các tiêu chí xác định, các cơ sở sử dụng trọng điểm năng lượng tiết kiệm hiệu quả và xác định danh sách sử dụng đó. Tuy nhiên, tôi xin hỏi tiêu chí đó là gì? Tại sao không đưa tiêu chí đó vào ngay trong luật để làm căn cứ cho Chính phủ xác định thay cho việc giao cho Bộ công thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh xác định?”, ông Hải đặt vấn đề.
Đồng quan điểm này, đại biểu Trần Tiến Dũng - Hà Tĩnh cũng nhận xét, nhiều điều trong dự thảo luật vẫn còn có dáng dấp giống như nội dung của một chương trình hành động quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả.
“Ban soạn thảo rà soát lại và cần phải sửa đổi chỗ nào mà sửa được thì chúng ta sửa, để làm thế nào quy định được các hành vi như thế nào thì có thể được coi là sử dụng năng lượng lãng phí và không tiết kiệm, không hiệu quả. Đồng thời phải quy định rõ hơn trách nhiệm đối với những hành vi đó và có một hình thức xử lý, những chế tài để xử lý những vi phạm đó, những quy định của pháp luật”, đại biểu Dũng đề nghị.
Đại biểu Vi Trọng Lễ - Phú Thọ - cũng đề nghị Quốc hội nên cân nhắc lại xem chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả có thực sự là chương trình mục tiêu Quốc gia hay không và chương trình này đã thực sự cần thiết và cấp bách chưa?
“Hiện nay chúng ta có 10 chương trình mục tiêu quốc gia, nếu mỗi một dự án luật Quốc hội chúng ta lại quyết một chương trình mục tiêu quốc gia thì không biết là đất nước chúng ta sẽ có bao nhiêu chương trình và đâu là chương trình hết sức cấp bách. Tôi cho rằng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một chương trình thực hiện rất dài hơi và cần có thời gian để chúng ta tuyên truyền giáo dục và thuyết phục”, ông nói.
Theo đánh giá của đại biểu Cuông, dự án luật này cũng mới chỉ mang tính quy định nguyên tắc chính sách, chiến lược quy hoạch về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chưa có chế tài cụ thể.
Cơ bản nhất trí với báo cáo, đại biểu Trần Văn - Cà Mau – chỉ đề nghị Quốc hội xem xét lại việc chưa quy định nội dung về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo thành một chương mới, mà chỉ lồng ghép trong một số điều liên quan đến chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
“Việc quy định lồng ghép như vậy, chưa thể hiện cam kết mạnh mẽ của dự thảo luật với việc giải phóng các tiềm năng, thế mạnh của đất nước trong phát triển năng lượng tái tạo… Tôi đề nghị Quốc hội xem xét lại việc đưa chương này trở lại dự thảo luật, quy định rõ ràng minh bạch, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển năng lượng tái tạo vì lợi ích chung của quốc gia”, đại biểu Văn đề nghị.
Đại biểu Đinh Xuân Thảo - Kiên Giang cũng nhất trí có riêng các điều luật điều chỉnh lĩnh vực năng lượng tái tạo.
“Việc Thủ tướng Chính phủ đề nghị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho rút khỏi nội dung đó thành một chương trong này tôi thấy là đúng, là hợp lý. Nhưng nên có một luật riêng bởi quan hệ trực tiếp ở đây là vấn đề môi trường chứ không phải là quan hệ trực tiếp ở đây, vấn đề ở đây là vấn đề kinh tế, vấn đề tiết kiệm năng lượng”, đại biểu Thảo nói.
Góp ý về những điều còn thiếu trong luật, đại biểu Nguyễn Đình Xuân - Tây Ninh đề nghị, luật có quy định về việc xử lý vi phạm trong sử dụng năng lượng nhưng lại chưa làm rõ việc thưởng những đối tượng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả.
“Thật ra thưởng và hỗ trợ là rất quan trọng, vì muốn có được thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng thì phải đầu tư. Nếu chúng ta không có hỗ trợ thỏa đáng thì đầu tư này sẽ khó thu hồi được lợi nhuận”, đại biểu Xuân nói.
Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân - Khánh Hoà – cho rằng, các quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về năng lượng vẫn chưa có biện pháp, chế tài thật thích đáng.
Theo đề xuất của đại biểu này, luật nên gộp các quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về năng lượng lại thành một chương riêng, để từ đó có thể quy định về trách nhiệm rõ ràng của từng Bộ, ngành.
Bàn về tính hiệu quả của luật, đại biểu Trần Văn Kiệt - Vĩnh Long – đề nghị Quốc hội nên xem xét tiết kiệm năng lượng ở mức độ nào là hợp lý, nếu có thể quy định là tiết kiệm năng lượng chiếm tỷ lệ chiếm bao nhiêu % tăng trưởng GDP là hợp lý, tránh tình trạng chung chung, dễ trở thành khẩu hiệu, khó thực hiện.
Dự kiến, dự án luật này sẽ được QH thông qua vào ngày tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.