Dữ liệu là một trong những trụ cột của quá trình chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh. Do vậy sớm có chiến lược về dữ liệu và đồng bộ với quá trình phân tích, quản trị dữ liệu là những yếu tố cần thiết thúc đẩy phát triển kinh tế số…
Theo các chuyên gia, dữ liệu là một trong 6 trụ cột của mô hình chuyển đổi số (cùng với khách hàng, chiến lược, công nghệ, vận hành, văn hóa). Dữ liệu cũng được coi là mạch máu trong mô hình thành phố thông minh. Theo đánh giá của Hiệp hội Internet Việt Nam, dữ liệu trên internet ngày nay trở thành mạch máu của nền kinh tế và là động lực cho sự đổi mới. Việc sử dụng dữ liệu trên internet một cách thông minh có thể có tác động chuyển đổi đối với tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và có thể tạo ra các cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc khai thác, sử dụng dữ liệu vẫn còn tình trạng cát cứ, thiếu chia sẻ, tích hợp...
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel) Phạm Anh Đức cho rằng, cần xây dựng chiến lược dữ liệu bằng cách ban hành và giám sát chiến lược dữ liệu, chính sách quản trị dữ liệu. Cùng với đó, cần triển khai có trọng điểm ưu tiên dữ liệu số phục vụ giải quyết các vấn đề nóng, bức thiết của địa phương. Còn theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC (CMC Telecom) Đặng Tùng Sơn, hạ tầng số gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, IoT (đóng vai trò như hạ tầng kết nối), hạ tầng trung tâm dữ liệu và cloud (đóng vai trò như hạ tầng dữ liệu, phục vụ lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn), do vậy cần sớm đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, thì chuyển đổi số quốc gia cần gắn liền chặt chẽ với "tài nguyên đầu vào" là công nghệ số và dữ liệu số. Để xây dựng, tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác hiệu quả giá trị dữ liệu cần chuyển đổi nhận thức, xây dựng văn hóa về dữ liệu. Dữ liệu chính là tài sản chiến lược của cơ quan, tổ chức, là nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế...
Tại dự thảo Quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, mục tiêu đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ ở Việt Nam, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc tế, quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ; đưa Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang chủ trì xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó đề cập đến các vấn đề dữ liệu từ quản lý, khai thác dữ liệu… tạo ra việc chia sẻ, sử dụng dữ liệu. Cùng với đó, việc phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ quan trọng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu gắn với bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.