Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch và thể thao: Bao giờ có tiếng nói chung?

Thu Trang| 05/07/2013 07:07

(HNM) - Sự kiện CLB bóng đá Arsenal sắp đến nước ta du đấu khiến những người tâm huyết với du lịch nước nhà thầm tiếc nuối.

Thể thao - "mỏ vàng" của du lịch

Những sự kiện thể thao tầm cỡ luôn thu hút số lượng lớn khách du lịch và khả năng chi tiêu dồi dào từ họ. Và điều quan trọng hơn là những sự kiện này luôn mở ra cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước và tiềm năng du lịch của quốc gia tổ chức sự kiện. Từ lâu, trên phạm vi toàn cầu, nhiều quốc gia coi các sự kiện thể thao lớn như World Cup, Olympic, Champions League là cơ hội thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch nước nhà. Tại Châu Á, các quốc gia như Indonesia, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc… bỏ hàng đống tiền mời các CLB bóng đá hàng đầu như Chelsea, M.U, AC Milan, Arsenal sang thi đấu cũng không ngoài mục đích trên.

Những sự kiện thể thao lớn sẽ thu hút khách du lịch cho nước chủ nhà. Ảnh: Linh Ngọc


Trong thực tế, như tại Trung Quốc, thành công của kỳ Olympic Bắc Kinh năm 2008 đã đánh dấu một chương mới cho ngành du lịch nước này. Song hành với việc lo đăng cai tổ chức sự kiện lớn nói trên, Trung Quốc đồng thời thực hiện chương trình quảng bá điểm đến với những thành phố cổ, những di tích lịch sử nổi tiếng và văn hóa ẩm thực độc đáo. Trong vài năm gần đây, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Trung Quốc tăng đột biến. Năm 2012, khi Tổ chức du lịch thế giới UNWTO công bố danh sách 10 quốc gia đứng đầu về số lượng khách du lịch, Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 3 với 55,7 triệu lượt khách du lịch đến nước này trong năm.

Nước Anh là một điển hình về tận dụng cơ hội từ thể thao để phát triển du lịch nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Giải Bóng đá ngoại hạng Anh có bản quyền truyền hình đắt đỏ nhất thế giới nhưng vẫn bán chạy "như tôm tươi", tạo ra những tiền đề hấp dẫn khác phát triển kinh tế và du lịch. Giờ đây, bất kể du khách nào đặt chân đến vương quốc này cũng không thể bỏ qua những tour tham quan những sân vận động của các CLB hàng đầu, từ Old Trafford đến Emirates, Stamford Bridge… Ma lực từ các CLB bóng đá ngoại hạng đã một phần giúp nước Anh xếp ở vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng du lịch thế giới - đón 28,1 triệu lượt khách trong năm 2012.

Không phải ngẫu nhiên những quốc gia có nền thể thao phát triển trên thế giới luôn cạnh tranh nhau gay gắt để giành quyền đăng cai các giải đấu lớn, các sự kiện thể thao tầm cỡ châu lục và thế giới. Nhà tổ chức các sự kiện nói trên có thể thu về khoản lợi nhuận khổng lồ từ dịch vụ du lịch, bên cạnh việc tạo ra thêm việc làm và thúc đẩy sản xuất hàng hóa.

Nhưng chưa tìm ra tiếng nói chung…

Việt Nam chưa tận dụng tốt sân chơi thể thao đầy tiềm năng để thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch. Điều đáng ngạc nhiên là các đơn vị lữ hành gần như đứng ngoài cuộc ngay cả với một sự kiện thể thao thu hút lượng lớn người hâm mộ ở trong và ngoài nước như trận giao hữu sắp tới giữa Đội tuyển bóng đá Việt Nam và CLB Arsenal diễn ra trên SVĐ Mỹ Đình vào giữa tháng 7 này.

Theo tìm hiểu của phóng viên Hànộimới với các công ty lữ hành hàng đầu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đa số tỏ ra tiếc nuối khi không thể xây dựng tour đến Việt Nam "xem khẩu thần công Arsenal trổ tài" để chào bán. Lý do: Ngày 17-7, trận đấu lớn diễn ra nhưng mãi đến ngày 1-7, Ban tổ chức mới "chốt" giá vé xem trận đấu này. Với khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, các đơn vị lữ hành không thể xoay xở kịp, đành ngậm ngùi bỏ phí nguồn khách "ăn theo" sự kiện này. "Ban tổ chức nhiều sự kiện thể thao quan trọng thường đến sát ngày diễn ra mới công bố giá vé, phương thức và thời gian bán vé, lịch thi đấu cụ thể. Trong khi đó, sản phẩm du lịch thường được bán cho các đối tác nước ngoài trước cả năm", Giám đốc Chi nhánh Công ty Lữ hành Phượng Hoàng tại Hà Nội Đặng Bích Thọ than phiền.

Nói về sự "bắt tay" giữa thể thao và du lịch trong thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hoàng Thị Điệp nhận định rằng, hai lĩnh vực này tuy đã "ngồi lại" với nhau nhưng sự liên kết chưa chặt chẽ. Việc hợp tác giữa du lịch và thể thao, muốn đạt hiệu quả thì phải thay đổi tư duy và cách làm.

Đại diện Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Minh Mẫn cho rằng, các đơn vị lữ hành không nhận được bất kỳ thông tin hay sự hợp tác nào từ phía những người làm công tác thể thao. Ngay cả việc tổ chức những tour kết hợp giữa thể thao và du lịch trong thời gian qua đều do phía doanh nghiệp lữ hành tự mày mò. Chẳng hạn, tại các kỳ SEA Games được tổ chức ở các nước Đông Nam Á, họ cũng phải tự tìm kiếm thông tin về địa điểm, thời gian diễn ra, sau đó bắt tay vào xây dựng tour. "Nếu có một người đứng ra xâu chuỗi, kết nối những hoạt động thể thao lớn thì chắc chắn sẽ mang lại kết quả tuyệt vời, góp phần gây dựng thương hiệu quốc gia", ông Nguyễn Minh Mẫn nhấn mạnh.

Muốn tận dụng những sự kiện thể thao lớn làm chất xúc tác cho phát triển du lịch thì mối liên kết giữa ngành du lịch và thể thao phải được tổ chức chặt chẽ, có chiến lược và lộ trình phối hợp cụ thể nhằm tìm ra tiếng nói chung. Để làm được điều đó, theo bà Hoàng Thị Điệp, các đơn vị trong lĩnh vực thể thao cần chủ động hợp tác với những người làm du lịch và Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) sẽ đứng ra làm đầu mối liên kết để cùng tạo ra sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Du lịch và thể thao: Bao giờ có tiếng nói chung?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.