(HNM) - Hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam trong một tuần qua có cả sự hay lẫn điều dở, cho thấy công tác quản lý còn nhiều việc phải làm.
Nhiều điểm đến "cháy phòng"
Theo số liệu thống kê tại một số đơn vị lữ hành lớn như Vietravel, Hanoi Redtours, Saigontourist… lượng khách mua tour trong 5 ngày nghỉ lễ tăng mạnh, tập trung nhiều ở các địa phương có tiềm năng du lịch biển. Đơn cử như Vietravel đón được 28.000 khách dịp này - mức tăng trưởng là 25%, còn Hanoi Redtours đã cung cấp dịch vụ cho 5.000 lượt khách, trong đó có 3.000 khách outbound (đưa khách ra nước ngoài) và 2.000 khách nội địa.
Du khách tham quan Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Ảnh: Hải Anh |
Theo đánh giá chung, việc giảm giá đồng loạt các sản phẩm tour chào hè của các hãng lữ hành lớn đã có tác dụng kích cầu rõ nét đối với thị trường khách trong nước. So với thời điểm này những năm trước, sức mua tour trong và ngoài nước không có sự chênh lệch rõ rệt. Những điểm du lịch nổi tiếng, nơi sở hữu những bãi biển, phong cảnh đẹp như Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc, Mũi Né, Đà Nẵng… đã trở thành tâm điểm thu hút khách.
Những ngày qua, các resort, khách sạn từ cao cấp đến bình dân ở đảo ngọc Phú Quốc đều đạt công suất 100%. Ước tính, nơi đây thu hút khoảng 10.000 khách lưu trú. Còn tại Nha Trang, dù năm nay đưa vào khai thác một loạt khách sạn lớn 4, 5 sao, nâng tổng số phòng hiện có thêm khoảng vài trăm nhưng với lượng khách đến đây đạt gần 95.000 người (tăng khoảng 8% so với thời điểm này năm trước), công suất phòng của các khách sạn 3-5 sao trong những ngày nghỉ lễ luôn đạt mức 90%. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, công suất buồng phòng của nhiều khách sạn, khu du lịch đã đạt hơn 80%. Đặc biệt, trong 3 ngày cao điểm (từ 28 đến 30-4), nhiều cơ sở lưu trú nằm ở những vùng có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành như Long Điền, Xuyên Mộc, Côn Đảo đã phải từ chối nhận khách do hết phòng.
Còn cảnh chụp giật, sao mơ "mùa vàng"?
Dịp này, nhiều địa phương có tiềm năng du lịch biển đã tổ chức khai trương mùa du lịch hè 2013 khá rầm rộ với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật bên lề. Những chương trình mở màn mùa du lịch biển ở Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An như Liên hoan "Đồ Sơn biển gọi", Tuần Văn hóa, thể thao và du lịch Sầm Sơn, "Cửa Lò biển gọi"… và những sự kiện đã thành thương hiệu du lịch như Carnaval Hạ Long, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng… ít nhiều mang ý nghĩa quảng bá sản phẩm đặc trưng vùng, miền, thu hút khách.
Đã có sự đánh giá khác nhau về cách thức khai mùa du lịch ở Việt Nam trong vài năm qua. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường từng bày tỏ quan điểm rằng, chúng ta đang làm du lịch theo kiểu chỉ lo mở hội thái quá và rầm rộ, kéo khách đến vài ba ngày còn hiệu quả lâu dài đến đâu thì đến. Cuối cùng, khi lễ hội qua đi, đọng lại ấn tượng ở nhiều nơi là chất lượng dịch vụ yếu kém, môi trường bị ô nhiễm, sản phẩm du lịch nghèo nàn, du khách bị đeo bám, "chặt chém", bị lừa đảo... Điều đó lý giải vì sao du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách quay trở lại không nhiều.
Sự đông đúc tại các điểm nghỉ dưỡng trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua đã làm bộc lộ khiếm khuyết nhất định trong công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch. Những ngày qua, các phương tiện truyền thông và mạng xã hội lan truyền nhiều chuyện ngang tai trái mắt ở một số điểm du lịch nổi tiếng. Chuyện lừa đảo có, trộm cắp có, tăng giá "khét lẹt" có - động thái trục lợi rất rõ ràng trong cách thức "găm" phòng nghỉ để ép khách chịu mức giá cao, tính phí dịch vụ biển ở mức không thể chấp nhận được… Điều gây quan ngại không nằm ở những sự vụ đơn lẻ do tư nhân cung cấp dịch vụ gây ra, mà ở thông tin trên mặt báo về chuyện ngay cả một số khách sạn hạng… nhiều "sao" cũng có biểu hiện tăng giá bất thường. Nó cho thấy xu hướng "chặt chém" bằng được, bất chấp hậu quả xấu mà du lịch Việt Nam nói chung phải hứng chịu, đã đến mức báo động. Những gì diễn ra trong những ngày qua còn đặt ra câu hỏi về hiệu quả quản lý ngành cũng như sự phối hợp trong chỉ đạo, quản lý, giám sát việc tổ chức hoạt động du lịch giữa ngành và địa phương.
Tuy vậy, theo đánh giá của các đơn vị lữ hành, bên cạnh những câu chuyện về nạn "chặt chém" vẫn tái diễn, hoành hành thì ở một số điểm đến như Cửa Lò, Đà Lạt, Nha Trang đã bước đầu có sự chuyển biến tích cực, tạo được hình ảnh đẹp trong mắt du khách trong dịp nghỉ lễ này. Ấn tượng mùa du lịch mới ở thị xã biển Cửa Lò, chị Hoàng Thị Phượng, điều dưỡng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Cuba cho biết: Sau nhiều năm mới trở lại đây, tôi thực sự ngạc nhiên khi Cửa Lò đã "thay da đổi thịt". Không chỉ có thêm nhiều dịch vụ phục vụ du khách, nơi đây đang dần hình thành một điểm du lịch xanh. Từ bãi biển, hệ thống khách sạn, mọi tuyến đường đều thông thoáng và sạch sẽ. Người dân thân thiện và nhiệt tình với du khách. Thậm chí, từ ngày 28 đến 30-4 là thời điểm bãi biển nơi đây quá tải nhưng giá cả mọi loại dịch vụ đều được chính quyền địa phương kiểm soát rất tốt.
Mùa du lịch hè mới bắt đầu. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, tất cả thành phố, tỉnh lỵ, nơi có các điểm du lịch nổi tiếng đang tập trung hết sức để thu hút khách và tăng doanh thu từ những sự kiện, lễ hội, các cuộc thi, bằng sự quảng bá rộng rãi và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Biết phát huy lợi thế, hạn chế những bất cập, du lịch Việt Nam mới có thể phát triển một cách bền vững, mới có những "mùa vàng" đúng nghĩa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.