(HNM) - Với bờ biển dài 3.260km, hàng loạt đảo ven bờ và rất nhiều bãi tắm đẹp trải dài khắp đất nước, Việt Nam có ưu thế đặc biệt để thúc đẩy du lịch biển, đảo. Thế nhưng, hiện nay, loại hình du lịch này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.
Nhiều điểm đến vẫn "có vấn đề"
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Việt Nam có khoảng 125 bãi biển thuận lợi cho việc phát triển du lịch, tiêu biểu là Sầm Sơn, Lăng Cô, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu... Nhiều địa phương ven biển và hải đảo như Hải Phòng, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam... hội tụ đầy đủ giá trị tài nguyên thiên nhiên, tạo sức hấp dẫn lớn về du lịch. Hệ thống cơ sở lưu trú ven biển khá phát triển, hiện có 1.400 khách sạn với trên 45.000 phòng. Thế nhưng, theo nhận định của ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội, du lịch biển đảo về cơ bản chưa phát triển và Việt Nam mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ trong tài nguyên biển đảo. Ví dụ, ở các tỉnh miền Bắc, như Hải Phòng chủ yếu mới chỉ khai thác bãi tắm Đồ Sơn, Quảng Ninh thì tập trung vào Vịnh Hạ Long và bắt đầu triển khai du lịch một cách bài bản ở Bái Tử Long, Cô Tô.
Bãi biển Lăng Cô. Ảnh: Gia hiếu |
Phân tích tình hình cụ thể ở các điểm đến, có thể thấy nhận định nói trên là xác đáng. Theo nhiều chuyên gia về du lịch, đảo Cô Tô dù đã được chú ý nhiều hơn trong những năm gần đây nhưng để phát triển du lịch một cách đúng nghĩa còn phải làm rất nhiều việc. "So với các đảo khác, Cô Tô có lợi thế rất lớn bởi điện lưới quốc gia đã ra đến đảo. Tuy vậy, điện còn chưa phủ hết được các địa điểm, kể cả khu vực bãi biển. Nước sạch hiện còn rất vàng, cơ sở lưu trú chưa đạt chất lượng theo yêu cầu. Hệ thống cơ sở dịch vụ khác như giải trí, mua sắm còn rất hạn chế...", ông Mai Tiến Dũng nói.
Khó khăn trong việc phát triển du lịch ở Cô Tô không chỉ có vậy. Theo ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, hiện mới chỉ có 5 tàu chuyên chở khách từ đất liền ra đảo nên thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải. Nhân lực du lịch càng là vấn đề nan giải, cả huyện đảo mới có 30 người được đào tạo trung cấp, cao đẳng nghề du lịch.
Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), nơi được nhiều người gọi là "Jeju của Việt Nam" cũng ở trong tình trạng tương tự ở Cô Tô. Hiện nay, cả huyện đảo chỉ có 12 cơ sở lưu trú với khoảng 80 phòng nghỉ, điện lưới vẫn chưa có. Trên đảo, hằng ngày, nhà máy điện diesel chỉ có thể cung cấp điện từ 17h đến 23h, rất bất tiện đối với sinh hoạt của du khách.
Nhiều điểm đến khác cũng có "vấn đề" riêng, Phú Quốc còn thiếu phòng ốc đạt chuẩn, sản phẩm du lịch biển ở Tuy Hòa chưa hấp dẫn...
Số liệu thống kê cho thấy, ở Việt Nam cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình của thế giới (1km bờ biển/ 600km2); tuy vậy, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường biển chiếm tỷ trọng rất thấp. Theo thông tin của Tổng cục Du lịch, cả năm 2013 chỉ có 193.300 lượt khách đến Việt Nam bằng đường biển (chiếm 2,5% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam). Trong 5 tháng đầu năm 2014, khi tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 3.748.109 lượt thì lượng khách đến bằng đường biển chỉ đạt 39.278 lượt - khoảng hơn 1%. Đó là con số khiêm tốn so với tiềm năng. |
Du lịch tàu biển kém phát triển
Theo các chuyên gia du lịch, sở dĩ du lịch tàu biển Việt Nam "lép vế" so với các loại hình khác là bởi cơ sở hạ tầng tại các cảng biển của ta còn kém, cụ thể là thiếu cảng chuyên dụng dành cho tàu biển du lịch. Đến thời điểm hiện tại, cả nước vẫn chưa có bến cảng dành riêng cho tàu du lịch, hầu hết các cảng có đón khách du lịch tàu biển đều là cảng dành cho tàu hàng hóa. Cảng "không chuyên" nên tàu biển chở khách du lịch thường phải neo ở ngoài xa, khách được trung chuyển vào đất liền bằng tàu - thuyền nhỏ. Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Red Tours, một lý do quan trọng khác là quy mô khách sạn và resort của Việt Nam còn hạn chế, một điểm đến thường khó cùng lúc cung ứng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế cho khoảng 2-5 nghìn khách. "Khách du lịch tàu biển là khách hạng sang, yêu cầu mà họ đặt ra tương đối cao so với mặt bằng dịch vụ ở nhiều điểm đến. Một chuyến tàu biển cập bờ với khoảng 2-3 nghìn khách thì có nghĩa phải bảo đảm có khoảng 1-2 nghìn phòng chất lượng cao tương đương nhau. Với điều kiện hiện tại thì các khách sạn, resort của Việt Nam chưa đáp ứng được. Chính điều này khiến cho các hãng tàu biển không mặn mà với việc đưa khách vào Việt Nam". - Ông Nguyễn Công Hoan khẳng định.
Châu Á hiện là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tàu biển với nhiều cảng biển được đầu tư hiện đại. Việt Nam là điểm đến dễ tiếp cận, là điểm kết nối với các trung tâm cảng biển hiện đại của thế giới như Hồng Kông, Singapore trong hành trình của các hãng tàu đến khu vực Châu Á. Nhiều hãng tàu biển nổi tiếng thế giới đã cập cảng Việt Nam như Star Cruises, Phoenix Cruises, Orion Expedition Cruises, Super Star Aquarius... vấn đề là ngành du lịch Việt Nam cần phải tìm cách giữ chân họ, khiến họ thường xuyên đưa khách quay trở lại. Bởi vậy, theo các chuyên gia du lịch, nếu chúng ta không đầu tư phát triển du lịch tàu biển một cách xứng đáng thì đó sẽ là sự lãng phí lớn.
Để khai thác được tiềm năng và thế mạnh của du lịch biển, đảo Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển du lịch Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có chiến lược thúc đẩy du lịch biển, đảo phát triển trong những năm tới. Hy vọng khi đề án này được triển khai, mục tiêu trở thành quốc gia có du lịch biển phát triển nhất khu vực của Việt Nam sẽ không quá xa vời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.