(HNMCT) - Là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với lợi thế nằm sát biển, Bạc Liêu không chỉ có tiềm năng về phát triển các ngành nông nghiệp, kinh tế biển, năng lượng tái tạo mà còn rất giàu tài nguyên để phát triển các loại hình du lịch đặc thù như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Đáng nói, sự giao thoa về văn hóa, tín ngưỡng của 3 dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer sinh sống trên địa bàn đã tạo nên những sản phẩm hấp dẫn, góp phần định danh cho du lịch Bạc Liêu bằng sự khác biệt.
Vùng đất giàu nguồn lực văn hóa
Nằm ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc, phần lớn diện tích tiếp giáp với biển nên Bạc Liêu có nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi, trở thành vùng đất hội tụ, giao thoa văn hóa của ba dân tộc: Kinh, Hoa, Khmer. Điều đó đã tạo nên tính đa dạng văn hóa mang đậm nét đặc trưng của Bạc Liêu và là thế mạnh để hình thành các sản phẩm du lịch khác biệt cho địa phương.
Mặc dù nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại đã được UNESCO công nhận - hình thành và phát triển ở hầu khắp các tỉnh Nam Bộ nhưng Bạc Liêu mới được coi là “cái nôi” của môn nghệ thuật vừa bình dân, vừa bác học này. Nơi đây đã sản sinh ra những nghệ nhân như: Nhạc sư Lê Tài Khí (1870 - 1948), người được tôn làm Hậu tổ bởi có công lớn trong việc canh tân, hiệu đính 20 bản tổ. Học trò nổi tiếng nhất của ông là nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890 - 1976), tác giả của bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng, tiền thân của bản vọng cổ ngày nay. Để tưởng nhớ công lao của ông, tỉnh Bạc Liêu đã mở rộng xây dựng và đưa vào khai thác Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Khu lưu niệm này được xem là một “bảo tàng” của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, đồng thời là một trong những điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu cho biết: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, lượng khách đến đây mỗi năm một tăng. Dự kiến năm 2019 khu lưu niệm đón khoảng 600 nghìn lượt khách. “Du khách tới đây bên cạnh việc tìm hiểu, nghe giới thiệu về lịch sử hình thành của nghệ thuật Đờn ca tài tử cũng như thân thế, sự nghiệp của nhạc sĩ Cao Văn Lầu còn được xem biểu diễn miễn phí và tương tác cùng các nghệ sĩ. Nhờ vậy, nơi đây đang trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình tham quan Bạc Liêu của du khách trong và ngoài nước”, ông Quang chia sẻ.
Với sự hội tụ của nhiều nền văn hóa khác nhau, trong đó nổi bật là văn hóa Khmer, Bạc Liêu sở hữu hệ thống chùa chiền với đặc trưng không thể trộn lẫn. Những ngôi chùa cổ kính nhưng mang vẻ nguy nga, lộng lẫy với những bức phù điêu đắp nổi mang đậm dấu ấn tín ngưỡng của người Khmer. Nổi bật nhất trong hệ thống chùa này phải kể tới chùa Xiêm Cán, chùa Cỏ Thum, chùa Hưng Hội... Song song tồn tại là hệ thống di tích mang phong cách Trung Hoa và hệ thống đình, chùa, lăng tẩm phản ánh tín ngưỡng thờ cúng của người Việt gắn liền với các lễ hội lớn như: Lễ hội Quán âm Nam Hải, Lễ hội Nghinh Ông Gành Hào, Lễ hội Dấu ấn đồng Nọc Nạng... Ngoài ra, Bạc Liêu còn sở hữu nhiều di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng có giá trị như: Di tích lịch sử đồng Nọc Nạng, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu...
Đa dạng hóa sản phẩm, thu hút khách lâu dài
Bên cạnh thế mạnh về du lịch văn hóa, Bạc Liêu cũng có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, trong đó nổi bật nhất phải kể đến Nhà máy Điện gió tỉnh Bạc Liêu. Mặc dù được đầu tư xây dựng với quy mô của một nhà máy điện độc lập, nhưng những turbine gió với kích thước lớn xếp thành hàng trên biển đã tạo thành một quang cảnh độc đáo, hấp dẫn du khách. Anh Nguyễn Hoàng Minh, một du khách từ Hà Nội hào hứng chia sẻ: “Lần đầu tiên được thấy tận mắt những cánh quạt khổng lồ quay trên “cánh đồng điện gió”, chúng tôi thực sự phấn khích và cố gắng chụp để lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời này. Bạc Liêu có rất nhiều điểm đến thú vị mà từ trước tới nay, khách du lịch, đặc biệt là khách từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc chưa hề biết đến”.
Sau một ngày tham quan các điểm đến của Bạc Liêu, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiên Phong Travel bày tỏ sự ngạc nhiên trước những sản phẩm mới lạ như: Xem biểu diễn các trích đoạn cải lương, đờn ca tài tử tại Nhà hát Cao Văn Lầu, thăm “cánh đồng điện gió”, Nhà công tử Bạc Liêu, thưởng thức các điệu múa dân gian tại chùa Xiêm Cán do thiếu nữ Khmer trình diễn... Ông Khánh cho biết: “Là người có nhiều năm công tác trong ngành Du lịch nhưng từ trước tới nay, ấn tượng về Bạc Liêu trong tôi khá mờ nhạt. Sau khi tham quan các điểm đến này, tôi rất bất ngờ về những sản phẩm độc đáo mà Bạc Liêu đang có. Đây thực sự là một điểm đến thú vị, hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh về lượng khách trong thời gian tới. Muốn vậy, Bạc Liêu cần tăng cường công tác xúc tiến quảng bá để đưa đến nhiều hơn cho du khách những thông tin về các điểm đến hấp dẫn”.
Với mục tiêu đa đạng hóa sản phẩm và xây dựng các sản phẩm chuyên biệt để tạo thương hiệu, tránh tình trạng trùng lặp với các tỉnh, thành khác, Bạc Liêu đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Ông Thái Quốc Lưu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Tỉnh đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào các dự án lớn, điển hình như Tập đoàn FLC sẽ xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp gần khu vực “cánh đồng điện gió” nhằm đáp ứng nhu cầu lưu trú và các dịch vụ vui chơi giải trí của du khách. Trong tương lai, khi Nhà máy Điện gió Bạc Liêu hoàn thành giai đoạn 2, nâng tổng số turbine gió được xây dựng lên 114 trụ, đây sẽ là “cánh đồng điện gió” lớn nhất Việt Nam với chiều dài 56km, tới tận tỉnh Cà Mau”.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn xây dựng điểm tham quan chùa Xiêm Cán thành điểm du lịch tiêu biểu của Đồng bằng sông Cửu Long cùng với 9 điểm đã được công nhận để khai thác, kết nối tour, tuyến với khu vực và cả nước. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện các dự án như: Dự án đầu tư tuyến du lịch sinh thái ven biển Nhà Mát đến Cái Cùng; Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Cao Văn Lầu phục vụ du khách; Cải tạo, mở rộng các tuyến giao thông đến Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu, Vườn chim Bạc Liêu, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng Nọc Nạng... để thu hút du khách.
Không chỉ mong muốn thu hút khách đến bằng các sản phẩm đặc thù, Bạc Liêu còn đặt mục tiêu để khách quay trở lại nhiều lần. “Muốn vậy, tỉnh sẽ phải nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh an toàn cho du khách, xây dựng nhiều sản phẩm hấp dẫn để làm sao “chạm” được tới cảm xúc của du khách, từ đó khiến họ muốn quay lại. Có như vậy, du lịch mới phát triển bền vững được”, ông Thái Quốc Lưu bày tỏ quan điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.