Du lịch

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang:Nỗ lực để giữ vững nhịp độ tăng trưởng

Hoàng Lân thực hiện 04/05/2025 - 06:23

Được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Hà Nội đang có bước đi mang tính chiến lược để phát triển du lịch bền vững, hiệu quả.

Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang về giải pháp kích cầu du lịch hiệu quả, gia tăng lượng du khách một cách bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra.

Đòn bẩy vững vàng cho năm du lịch 2025

giam-doc.jpg
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang.

- Năm 2024, ngành Du lịch Thủ đô đạt kết quả ngoạn mục với tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 27,88 triệu lượt, tăng 12,7% so với năm 2023. Sự gia tăng này được duy trì như thế nào trong những tháng đầu năm 2025, thưa đồng chí?

- Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt mức tăng trưởng 34,8% so với năm trước và phục hồi bằng 91% so với năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch đạt 110,66 nghìn tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2023 (tăng 6,5% so với năm 2019).

Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong quý I-2025, Hà Nội ước đón 7,3 triệu lượt khách, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,85 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 29.930 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong tháng 4, với kỷ nghỉ lễ 30-4, 1-5 kéo dài 5 ngày, dự kiến lượng du khách đến Thủ đô tiếp tục tăng.

- Để có được đà tăng trưởng này, ngành Du lịch Thủ đô đã triển khai những giải pháp gì?

- Ngành Du lịch Thủ đô đã nỗ lực rất nhiều để giữ vững nhịp độ tăng trưởng. Trong đó, triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18-5-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Cụ thể, ngành tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch; chú trọng củng cố hệ thống sản phẩm, dịch vụ đã có và xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới; tích cực chuyển đổi số; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm sự văn minh, chuyên nghiệp trong môi trường du lịch...

Hiện nay, các thị trường nước bạn gửi khách đến Hà Nội đều có sự tăng trưởng khá, đặc biệt từ các quốc gia: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ…

- Mặc dù có đà tăng trưởng tốt nhưng các chuyên gia dự báo, ngành Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thủ đô nói riêng vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Đồng chí nhận diện những khó khăn, thách thức đó là gì?

- Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, chịu sự tác động của rất nhiều yếu tố, cả trong và ngoài ngành, nên lúc nào cũng có thể đối diện với thách thức, rủi ro. Những biến động về kinh tế, chính trị, xã hội thế giới; sự phát triển của khoa học và công nghệ; tác động từ biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu khác đã, đang và sẽ có tác động nhất định đến sự phát triển của ngành Du lịch, làm xuất hiện xu hướng du lịch mới với cơ hội cùng thách thức đi kèm. Vấn đề lớn đặt ra cho ngành Du lịch cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng là làm thế nào để không chỉ gia tăng lượng khách mà còn giữ chân khách lưu trú dài ngày hơn, có những trải nghiệm đa dạng, chất lượng hơn nữa.

Kích cầu du lịch hè

du-khach.jpg
Du khách quốc tế tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa). Ảnh: Quang Thái

- Đồng chí đánh giá mùa du lịch hè 2025 tại Hà Nội năm nay sẽ như thế nào?

- Mặc dù thời điểm vàng của du lịch Hà Nội là mùa thu - đông, song nhiều năm qua, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động đầu tư, phát triển du lịch bốn mùa, để thời điểm nào cũng có sản phẩm đặc trưng, thu hút du khách. Năm nay, theo dữ liệu từ Google, khối lượng tìm kiếm quốc tế về chỗ ở tại Việt Nam đã tăng 45% trong nửa đầu tháng 2-2025, trong đó Thủ đô Hà Nội là một trong những điểm đến được du khách quốc tế quan tâm nhất. Số lượng khách từ Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng rất khả quan.

Theo nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor, trong năm 2025, Hà Nội đứng thứ 2 trong nhóm 25 điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới; xếp thứ 7 trong nhóm 25 điểm đến hàng đầu thế giới. Đây là cơ sở để tin tưởng rằng, lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trong mùa hè 2025.

- Để thu hút du khách trong mùa hè, ngành Du lịch Thủ đô có những biện pháp gì để giữ chân khách lưu trú dài ngày cũng như chi tiêu nhiều hơn?

- Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình kích cầu du lịch năm 2025 với chủ đề "Việt Nam - Đi để yêu" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ tháng 4-2025, Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai chương trình “Người Hà Nội và du khách trải nghiệm dịch vụ tại các khách sạn 4-5 sao của Hà Nội”, trọng tâm là dịp thấp điểm mùa hè và các ngày lễ lớn. Một trong những điểm nhấn của chương trình là các gói ưu đãi vào dịp kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6).

Theo đó, từ ngày 22 đến 29-6, nhiều khách sạn tại Hà Nội đưa ra gói sản phẩm ưu đãi đến 50% giá phòng, kèm theo nhiều tiện ích phụ trợ dành cho các gia đình đến trải nghiệm dịch vụ tại khách sạn, cũng như khám phá danh lam thắng cảnh, ẩm thực, văn hóa. Chúng tôi hy vọng, chương trình này đem đến cho người dân và du khách trải nghiệm độc đáo, mới mẻ, góp phần kích cầu du lịch mùa thấp điểm.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch Hà Nội đang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, kết nối các tuyến điểm ở khu vực nội thành và ngoại thành để tăng trải nghiệm cho du khách như: Tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” tại các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên; sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với di sản tại điểm du lịch Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng); mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức); mô hình du lịch nông nghiệp - nông thôn tại xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ)...

Ngoài ra là nâng cấp tuyến du lịch trung tâm Hà Nội - Quốc Oai - Thạch Thất; hoàn thiện tuyến du lịch đường sông Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử... Hà Nội cũng tích cực kết nối với các địa phương có thế mạnh trong du lịch mùa hè để xây dựng sản phẩm liên tuyến hấp dẫn như: Hà Nội - Hạ Long (Quảng Ninh), Hà Nội - Thái Nguyên…

- Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 34/CĐ-TTg về việc thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm thực hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số. Ngành Du lịch Thủ đô cần làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này, thưa đồng chí?

- Hiện ngành Du lịch Thủ đô đã phân kỳ cụ thể để thực hiện chiến lược này. Trong đó, ngành phấn đấu, trong năm 2025 đón hơn 30 triệu lượt khách, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng.

Về giải pháp, bên cạnh việc xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới như đã nói ở trên, tổ chức các đợt kích cầu du lịch hiệu quả, ngành Du lịch Thủ đô còn tổ chức nhiều sự kiện quảng bá như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội thu Hà Nội, Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội; tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và tổ chức xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Giai đoạn 2026-2030, ngành Du lịch đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đột phá góp phần vào tăng 10,5-11% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Đến năm 2030, phấn đấu đón khoảng 46 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 12 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 280 nghìn tỷ đồng.

Trong giai đoạn này, ngành Du lịch Thủ đô ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch, phấn đấu hình thành 3 khu du lịch quốc gia trên địa bàn thành phố, gồm: Khu du lịch Ba Vì; Khu du lịch Di tích thắng cảnh Hương Sơn; Khu du lịch khu vực hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội.

Ngoài ra, Hà Nội phấn đấu xây dựng từ 3 đến 5 khu du lịch cấp thành phố, trong đó sẽ thực hiện ngay Khu du lịch Hồ Tây và vùng phụ cận; phát triển mới từ 10 đến 20 tổ hợp khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp 4-5 sao. Hà Nội sẽ định kỳ triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm lớn tại các thị trường trọng điểm như: Ấn Độ, Bắc Mỹ, EU…; tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số…

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Nỗ lực để giữ vững nhịp độ tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.