(HNMO) - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (giai đoạn 1) có vai trò rất quan trọng.
Thông tin trên vừa được Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nêu lên tại cuộc họp sáng 28/10 về đề xuất xây dựng dự án trên theo hình thức BOT.
Theo đơn vị tư vấn thiết kế (TEDI), việc xây dựng đường Vành đai 4 đoạn từ đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là triển khai quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Nam Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.
Việc hình thành tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm áp lực cho đường Hà Nội - Hải Phòng, đường Vành đai 3 (cầu Thanh Trì) và kết nối tới đường Pháp Vân - Giẽ (Quốc lộ 1A). Trong tương lai, tuyến đường còn kết nối với Quốc lộ 6, đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 5.... Ước tính, đến năm 2020 tổng lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đường này sẽ khoảng 27.932 phương tiện và đến năm 2035 sẽ tăng lên thành 65.983 phương tiện.
Một đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh minh họa. |
Tuyến đường có điểm đầu tại nút giao với đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (khoảng Km190+470 đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) thuộc địa phận huyện Thường Tín, TP Hà Nội và kết thúc tại nút giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (khoảng Km12+600 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) thuộc địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tuyến đường dài gần 14 km, trong đó cầu Mễ Sở vượt sông Hồng dài khoảng 2,5km.
Đường Vành đai 4 được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, mặt cắt ngang 6 làn xe cao tốc, đường song hành rộng 12m. Để phân kỳ đầu tư, dự án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư một phần đường tuyến chính theo quy hoạch.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu đơn vị Tư vấn nghiên cứu kỹ việc kéo dài tuyến đường kết nối với Quốc lộ 1A và Quốc lộ 5. Dự kiến, dự án khởi công vào đầu quý 3/2016 và phải hoàn thành chậm nhất sau 18 tháng thi công. Hai địa phương có dự án đi qua là Hà Nội và Hưng Yên cần ủng hộ chủ trương đầu tư dự án và hỗ trợ GPMB. Một số vấn đề như chi phí đầu tư dự án, việc thu phí hoàn vốn cho dự án... cũng cần được làm rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.