Hiệp hội Du lịch Nhật Bản (JATA) dự đoán năm nay sẽ có đến 16,5 triệu người Nhật ra nước ngoài du lịch. Ngành du lịch Việt Nam đã làm rất nhiều việc nhưng cũng chỉ mới thu hút được gần 300 nghìn du khách Nhật mỗi năm. Đó là con số không nhỏ, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia về du lịch, Việt Nam có thể làm được hơn thế.
Đánh thức tiềm năng
Phát biểu tại đêm khai mạc Lễ hội văn hóa du lịch Việt - Nhật 19/11, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM - ông Osamu Shiozaki cho rằng ngoài món chả giò, phở hay những mặt hàng thủ công mỹ nghệ, Việt Nam còn cả một kho tàng chứa đựng nhiều điều thú vị mà người Nhật, đặc biệt là du khách, nên khám phá. Có chứng kiến cảnh du khách Nhật thích thú khám phá những trò chơi dân gian, tay không nếm thử thức ăn là đặc sản Nam Bộ, thử ni để may áo dài... mới phần nào hiểu được vì sao họ thích đến Việt Nam. Trong chuyến du lịch đường sông về Mỹ Tho hôm 18/11, các thành viên người Nhật trong đoàn đều thừa nhận sức hấp dẫn của tour này chính là sự yên bình của làng quê Việt Nam, sự quyến rũ của những cô thôn nữ trong tà áo bà ba chèo thuyền chở khách.
Một nghiên cứu của Công ty Tiếp thị du lịch Nhật Bản (JTM) cho thấy: Du khách Nhật không chỉ thích đến TP.HCM để thưởng thức các món ăn hay mua sắm mà còn có nhu cầu rất lớn trong việc khám phá cuộc sống bình thường của người dân địa phương, những nét văn hóa độc đáo mang bản sắc người Việt không đâu có được... Một nhà báo Nhật nhận xét: Môi trường du lịch của Việt Nam hơn những nước láng giềng nhiều lắm, chỉ tiếc là những tiềm năng đó chưa được đánh thức và phô diễn cho thế giới biết.
Du khách Nhật đến Việt Nam để: Thưởng thức ẩm thực: 88%; mua sắm: 82%; tham quan công trình kiến trúc lịch sử: 59%; tham quan bảo tàng: 40%; khám phá thiên nhiên: 35%; massage: 31%; nghỉ ngơi ở các khu resort gần bãi biển: 23%. Những điểm đến được du khách Nhật "ưu ái": TP Hồ Chí Minh: 72%; Hà Nội: 48%; Vịnh Hạ Long: 26%; Mỹ Tho: 26%; Huế 19%; Hội An: 17%; Nha Trang: 16%... (Nguồn: Công ty Nghiên cứu du lịch Nhật Bản) |
Làm hay hơn... mới "ăn"
Không thể phủ nhận là ngành du lịch Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã làm rất nhiều, tốn kém cũng không ít với mong muốn du khách Nhật chú ý đến Việt Nam. Ông Trịnh Hồng Quang - Giám đốc Vietnam Airlines tại Nhật Bản cho biết mỗi năm riêng Vietnam Airlines tiêu tốn khoảng 2 triệu USD để quảng cáo ở thị trường Nhật. Dù vậy, các chuyên gia Nhật vẫn cho rằng Việt Nam làm chưa đủ để có thể hấp dẫn người Nhật. Nếu chỉ so với Thái Lan, Việt Nam thua xa về mặt quảng bá. Tổng cục Du lịch Thái Lan có đến 17 văn phòng đại diện trên 14 nước, riêng tại Nhật, Thái Lan có đến 3 văn phòng, mỗi năm tổ chức hàng trăm sự kiện lớn nhỏ thu hút sự quan tâm của người Nhật. Người Nhật cũng cho rằng du lịch Việt Nam thiếu sáng tạo trong việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Một ví dụ: Mặc dù rất thích thú với cách tổ chức đưa du khách bằng tàu, thuyền về đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Shoko Uchida, một chuyên viên tư vấn du lịch của JTM cho rằng sản phẩm này vẫn chưa đủ sức thuyết phục. "Anh biết đấy, người Nhật rất nhạy cảm. Tôi hơi sợ hãi khi ngồi trên con thuyền gỗ nhỏ mà không có áo phao. Các khu vườn ăn trái sẽ hấp dẫn hơn nếu có trái trên cây, dưới vườn có thêm những con vật nuôi, người phục vụ trong trang phục đặc thù của địa phương...", Shoko thẳng thắn góp ý.
Ông Matsuoka - Chủ tịch Công ty Apex - đơn vị có lượng khách Nhật đông nhất Việt Nam đưa ra một số nhận xét rất đáng lưu ý về những điểm yếu của du lịch Việt Nam như trình độ hướng dẫn viên mới chỉ ở mức "làng nhàng", ngành du lịch và hàng không thiếu sự phối hợp, mỗi địa phương tự tổ chức xúc tiến dựa theo ngân sách của mình nên thiếu sự nhất quán, không tạo được một nguồn động lực mạnh mẽ... Ông Masato Takamatsu - Phó chủ tịch JTM thì nhận xét: "Tôi thừa nhận là các bạn đã làm rất nhiều và ngày càng tiến bộ. Nhưng các nước chung quanh cũng làm và làm rất tốt. Vấn đề không chỉ là làm hơn hôm qua mà phải làm hay hơn người ta làm".
Trung Bình
TP Hồ Chí Minh: Lễ hội văn hóa Việt - Nhật Hôm nay 21/11/2004, tại khu vực công viên trước dinh Thống Nhất TP.HCM, Lễ hội giao lưu văn hóa du lịch Việt - Nhật bước sang ngày hoạt động thứ 3 với chương trình tái hiện và giới thiệu nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ: dệt chiếu, chằm nón, nắn tò-he, làm đồ chơi bằng lá dừa. Làng du lịch Bình Quới (TP.HCM) cùng đơn vị du lịch văn hóa Tiền Giang, Cần Thơ sẽ tiếp tục tái hiện khung cảnh chợ quê xưa và nay, làm bánh tét, bánh tráng dừa tại chỗ. Để các đặc sản mang thêm phong vị miền sông nước, các câu hò đối đáp và đờn ca tài tử Nam bộ sẽ vang lên quanh đó.
Dọc theo đường Alexandre de Rhodes các hàng quán giới thiệu nghệ thuật ẩm thực Việt Nam sẽ đỏ lửa, nhóm bếp, làm chả giò, bún bò Huế, bánh bò, bánh ít, bánh bột lọc, và các món mà du khách Nhật có thể "dùng thử". Xa hơn một chút, trên "con đường di sản hướng về miền Trung", Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Thuận, Khánh Hòa, giới thiệu hàng thành Huế, Mỹ Sơn, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết qua các mô hình gợi nhớ dáng dấp cung triều Nguyễn, chùa Cầu, tháp Chàm, bên tiếng nhã nhạc, hoặc tiếng hô bài chòi sôi động. TP.HCM với sự có mặt "đậm nét" của Tổng công ty du lịch Sài Gòn, Saigontourist, Fiditour, Apex, T&T, Vietravel, OSC - SMI, IT & T, Tập đoàn Accor và các khách sạn Caravelle, Legend, Equatorial, Omni, Renaissance, mà nổi bật là biểu tượng chợ Bến Thành quen thuộc. Về đêm, vì là chủ nhật, lượng du khách đến lễ hội có thể đông hơn. Chương trình biểu diễn ở sân khấu chính dự kiến sẽ bắt đầu lúc 19 giờ với nhiều tiết mục Việt-Nhật hấp dẫn, ấn tượng. Giao Hưởng |
Theo TN
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.