(HNM) - Những tháng cuối năm 2022, lãi suất liên tục biến động theo hướng tăng khiến không ít doanh nghiệp lo ngại về nguy cơ lãi suất “leo thang” trong năm 2023, gây áp lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vậy, các chuyên gia kinh tế, tài chính dự báo thế nào về diễn biến của lãi suất trong năm 2023?
Nỗ lực duy trì mặt bằng lãi suất
Tiến sĩ Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Năm 2022 là năm đặc biệt khi dự báo về kinh tế vĩ mô trong nước, quốc tế gần như đảo lộn trong bối cảnh có nhiều cú sốc xảy ra, như xung đột và lạm phát cao trên thế giới. Nhiều ngân hàng trung ương thay đổi chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt. Đặc biệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 7 lần liên tục lên gần 5%, đánh dấu mức tăng cao nhất trong 40 năm qua. Các biến động toàn cầu đã gây ảnh hưởng lớn đến bức tranh chung của kinh tế Việt Nam”.
Trong khi đó, 8 tháng năm 2022, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên các mức lãi suất điều hành. Từ tháng 9-2022 do lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, đồng USD lên giá mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Thời gian qua, Việt Nam liên tục nhận được cảnh báo từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về mức độ rủi ro an toàn hoạt động ngân hàng. Đáng chú ý là con số tổng dư nợ tín dụng trong Tổng sản phẩm nội địa (GDP). Việt Nam hiện có tỷ lệ đòn bẩy tài chính quốc gia trên cơ sở tổng dư nợ tín dụng trên GDP cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp (124%). Trong bối cảnh năng lực tài chính của Việt Nam chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế, việc duy trì ổn định mặt bằng lãi suất là nỗ lực rất lớn.
Áp lực lãi suất có thể kéo dài đến quý II-2023
Theo đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, áp lực đối với mặt bằng lãi suất trong nước có thể kéo dài cho đến quý II-2023, sau đó giảm đáng kể sau khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Dự báo, lạm phát trong nước tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Áp lực tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Lãi suất tái cấp vốn có thể duy trì ở mức 6% và lãi suất tái chiết khấu duy trì ở mức 4,5% trong năm 2023. Áp lực đối với VND dự báo sẽ giảm đáng kể từ quý II-2023.
Tổng Giám đốc Công ty Dữ liệu WiGroup Trần Ngọc Báu nhận định, lãi suất có thể bắt đầu giảm từ quý II-2023. Lạm phát năm 2023 sẽ theo hướng cao trong những tháng đầu năm nhưng giảm dần. Thanh khoản sẽ tốt hơn ở những tháng cuối năm.
Nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cũng có chung dự báo, lãi suất sẽ chịu áp lực tăng trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng mạnh để bảo đảm các chỉ tiêu an toàn vốn, cũng như đáp ứng nhu cầu vay tăng cao của nền kinh tế. Lãi suất tiền gửi dự báo sẽ giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023 nhờ áp lực tỷ giá giảm cho phép Ngân hàng Nhà nước “bơm” thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất. Hơn nữa, lạm phát trong nước được kiểm soát, đáp ứng mục tiêu của Chính phủ là giữ ở mức dưới 4,5%.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển (Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng) cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ giảm khó khăn từ quý II-2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III trở đi với hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính - tiền tệ. Dự báo, lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II-2023. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II-2023 trở đi.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cũng dự báo, năm 2023, kinh tế toàn cầu có khả năng suy thoái. Dự kiến, Fed sẽ còn duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối 2024. Như vậy, mặt bằng lạm phát cao còn tiếp tục duy trì, kéo theo xu hướng lãi suất cao và dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu. Tuy nhiên, mức độ và tác động nhanh, mạnh của lãi suất cao sẽ không như năm 2022.
Cũng theo ông Phạm Chí Quang, trong nước, lạm phát lõi có dấu hiệu đáng quan ngại, mức tăng liên tục, mạnh. Lạm phát cơ bản tháng 12-2022 dự báo tăng trên 5,2%, điều này tạo mặt bằng lạm phát lớn cho năm 2023. Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Điều này thể hiện sức ép lạm phát rất lớn, vì vậy định hướng điều hành chính sách tiền tệ đối với năm 2023 là không thể chủ quan với lạm phát. Khả năng điều hành tín dụng, tỷ giá, lãi suất còn nhiều khó khăn, thách thức. Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Kim ngạch xuất, nhập khẩu lên tới 195% GDP. Với nền kinh tế có độ mở lớn, áp lực lạm phát nhập khẩu rất lớn lên mặt bằng lãi suất năm 2023. Từ đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 sẽ được Ngân hàng Nhà nước xem xét, cân nhắc thận trọng. Ngân hàng Nhà nước luôn cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát đang gia tăng.
“Xu hướng lãi suất trên thị trường quốc tế còn tăng. Việt Nam khó đi ngược xu thế, dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của ngành Ngân hàng trong năm 2023”, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang nêu thêm nhận định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.