(HNM) - Công tác điều hành thị trường giá cả trên địa bàn Hà Nội luôn là việc khó. Khó hơn cả là việc dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hay giảm ở mức nào qua từng tháng...
Diễn biến CPI từ đầu năm đến nay có phần dễ dự báo hơn so với nhiều tháng của năm trước nhờ các chuyên gia "đọc" được những quyết định của cấp có thẩm quyền ngay khi ban hành việc cho phép thay đổi giá của các chỉ số thành phần cấu thành CPI...
Giá các mặt hàng thiết yếu giảm nhẹ. Ảnh: Trí Minh |
CPI tháng 8 ở Hà Nội tăng 3,16% so với tháng trước và tăng 5,19% so với tháng 12-2012. Kết quả này không gây ra sự bất ngờ nào đáng kể, bởi riêng nhóm y tế đã tăng 63,94% do sự tăng giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh đối với các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội (theo Nghị quyết số 13/2013/NQ-HĐND ngày 17-7-2013 của HĐND TP Hà Nội về việc ban hành quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước thuộc TP Hà Nội). Việc tăng giá dịch vụ khám, chữa bệnh này đã khiến giá của nhóm y tế tăng vọt rồi từ đó đẩy chỉ số CPI chung của tháng 8 tăng (nếu không có sự tăng giá của nhóm y tế thì CPI trên địa bàn Hà Nội chỉ tăng 0,59%). Tiếp theo, nhóm giao thông đã tăng 1,13% so với tháng trước dưới ảnh hưởng của việc giá xăng dầu tăng vào giữa tháng 7. Trong khi đó, nhóm có chỉ số tăng cao thứ ba là nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng, với mức tăng 0,95% so với tháng trước, do trong nhóm này giá gas, dầu hỏa tăng và giá điện cũng tăng từ ngày 1-8-2013. Các nhóm còn lại đều có mức tăng thấp nhờ sự ổn định của thị trường, kể cả nguyên nhân gốc là những mặt hàng đó không còn "cửa" để có thể tăng giá một cách đột biến. Cụ thể, giá lương thực, chủ yếu là gạo chỉ tăng nhẹ; giá thịt, lợn, bò, thủy sản cũng tăng nhẹ, duy chỉ có một số loại rau tăng khá cao do đặc điểm lúc giao mùa. Ngoài ra, giá của phần lớn mặt hàng tiêu dùng như giày dép, quần áo, hàng điện tử đã đứng giá hoặc giảm chút ít bởi ít người mua khi thời tiết đang dần chuyển sang mùa thu, với nhu cầu và tâm lý tiêu dùng ít nhiều có sự thay đổi.
Như vậy, xét về diễn biến CPI từ đầu năm có thể thấy biểu đồ chỉ số này đi xuống trong phần lớn các tháng thuộc nửa đầu năm; CPI chỉ tăng rõ rệt trong tháng 6 và tăng cao nhất trong tháng 8 vừa qua. Vấn đề là có thể dự báo về diễn biến CPI các tháng tới cũng như của cả năm hay không? Đây vẫn là một ẩn số khó lường, phụ thuộc nhiều vào cán cân cung - cầu đối với một số mặt hàng chiến lược. Đơn cử, nếu giá nhiên liệu quan trọng gồm xăng, dầu và gas trên thị trường thế giới mà tăng thì chắc chắn sẽ đẩy giá trong nước tăng theo, bởi phần lớn nguồn cung cho tiêu dùng đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Vì vậy, cần xác nhận một thực tế là giá nhiên liệu ở Việt Nam phụ thuộc và chịu ảnh hưởng rất lớn từ diễn biến an ninh, thị trường tại khu vực Trung Đông - nơi thường xuyên đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Trong khi đó, tình hình Trung Đông đang trở nên xấu đi nhanh chóng với nguy cơ rất đáng lo ngại ở Syria... Bên cạnh đó, các yếu tố thiên nhiên cũng sẽ tác động và quyết định diễn biến CPI trên địa bàn Hà Nội. Đó là khả năng xuất hiện một số cơn bão có thể gây thiệt hại về hoa màu, lương thực, thực phẩm ở các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ và ven biển - nguồn cung chủ yếu cho Hà Nội, ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương với Hà Nội, tạo ra thiếu hàng cục bộ, làm đội giá thành sản phẩm.
Các chuyên gia nhận định, nếu không có những vấn đề bất thường và bất khả kháng như trên, thì nhiều khả năng CPI trên địa bàn Hà Nội năm 2013 sẽ ở mức dưới 8%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.