Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự báo chính xác, phòng tránh hiệu quả

Duy Biên| 30/10/2018 06:30

(HNM) - Sự bất thường của thời tiết trong những năm gần đây ngày càng diễn biến phức tạp. Thời tiết mùa đông xuân 2018-2019 được dự báo cũng không nằm ngoài quy luật chung đó.


Ảnh hưởng của thời tiết nguy hiểm ở chỗ chúng ta không thể biết trước diễn biến, mà chỉ dự báo mức độ tác động để phòng ngừa. Đặc biệt, trong điều kiện của Việt Nam, khi cơ sở hạ tầng còn yếu kém, trình độ khoa học kỹ thuật chưa cao, độ chính xác của các bản tin dự báo còn nhiều hạn chế thì những hiện tượng bất thường của thời tiết sẽ càng gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp cũng như bảo vệ sức khỏe người dân.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa mưa năm 2018 sẽ kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm, dẫn đến thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2018-2019. Chưa kể, vào đợt cuối năm 2018 và đầu năm 2019 sẽ xuất hiện nhiều đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là khoảng thời gian thuận lợi cho dịch bệnh dễ sinh sôi, phát triển, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người và lây lan trong cộng đồng.

Chính vì vậy, để giảm thiệt hại, trước hết, việc sớm nâng cao chất lượng, độ chính xác của các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết là vô cùng quan trọng để cơ quan chức năng, người dân lên kế hoạch chủ động ứng phó, phòng, tránh, nhằm giảm thiệt hại do thiên tai.

Đặc biệt, với ngành Nông nghiệp, lĩnh vực dễ bị "tổn thương" dưới tác động của thời tiết, ngay từ bây giờ, các địa phương cần xây dựng cụ thể kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2018-2019; tiến độ lấy nước, gieo trồng phù hợp với nguồn nước chung của toàn khu vực và việc xả nước từ các hồ chứa, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí. Đồng thời, các địa phương cũng hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng sang loại thích hợp với những vùng cao, vùng xa gặp khó khăn về cấp nước hay vùng trũng, thấp, thường xuyên bị ngập, lụt, úng...

Để thực hiện hiệu quả việc đó, cần chủ động theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo thời tiết. Từ bản tin thời tiết, lãnh đạo các địa phương cần có chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống. Giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản phối hợp với các đoàn thể huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, khẩn trương áp dụng các biện pháp phù hợp. Đồng thời chủ động sử dụng ngân sách dự phòng của địa phương để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi...

Đối với phòng chống dịch bệnh, mùa đông xuân là giai đoạn giao mùa với thời tiết khắc nghiệt và độ ẩm cao, thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh phát triển, lây lan trong cộng đồng. Thực tế cho thấy, trong năm 2017, tại Hà Nội mặc dù dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh, nhưng nhờ có các biện pháp quyết liệt nên thành phố đã chủ động kiểm soát, khống chế. Bởi vậy, thời gian tới chúng ta không được lơ là, chủ quan; đặc biệt, cần tuyên truyền để khi dịch bệnh xảy ra, cộng đồng dân cư sẵn sàng vào cuộc. Hơn bao giờ hết, mỗi người dân cần hợp tác với các cơ quan chức năng, nâng cao ý thức trong phòng bệnh, giữ gìn vệ sinh thân thể, môi trường, ăn chín, uống sôi, tăng sức “đề kháng” cho bản thân cũng như cộng đồng.

Thời tiết mùa đông xuân 2018-2019 có thể diễn biến phức tạp, nhưng nếu công tác dự báo chính xác, các cơ quan chức năng và mỗi người dân chủ động giải pháp ứng phó, ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết sẽ được hạn chế tối đa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự báo chính xác, phòng tránh hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.