(HNM) - Với hơn 90ha, thu hút gần 2.000 hộ tham gia, Tân Minh đã trở thành vùng trồng rau laghim lớn nhất Hà Nội.
Bà con nông dân Tân Minh chăm sóc rau laghim. |
Mới sáng ra, trên cánh đồng trồng rau ở Tân Minh đã tấp nập người ra ruộng nhặt cỏ, tưới bón. Bà Nguyễn Thị Hà, thôn La Uyên cho hay: "Người dân xã tôi chỉ chuyên trồng rau laghim, không trồng rau ăn lá. Gia đình hiện có 2 sào với các loại: Thơm, kinh giới, tía tô, răm… Trồng rau laghim tuy mất nhiều công chăm sóc nhưng không nặng nhọc, mất sức. Nhà tôi trồng 2 sào rau nhưng chỉ cần một lao động sáng nhổ cỏ, chiều hái rau là đủ". Khoảng gần 2 tháng nay, rau được giá, mỗi ngày gia đình bà Hà bán rau ngay tại ruộng cũng được 400 nghìn đồng. Từ ngày trồng rau, đời sống gia đình được cải thiện hơn hẳn bởi trước đó trồng lúa thường xuyên mất mùa do chuột phá.
Gia đình chị Nguyễn Thị Ban, thôn Phú Lương cũng trồng 3 sào rau laghim cho biết thêm, các loại rau như húng, kinh giới, răm… chỉ cần trồng một lần là có thể thu hoạch rất lâu mới phải trồng lại nên không tốn nhiều chi phí cho giống và công làm đất. Hơn nữa, các hộ đều đầu tư khoan giếng và kéo điện ra tận ruộng để bơm nước, không phải gánh nước tưới rau như trước nên làm rau đỡ vất vả hơn. 3 sào rau nếu bán buôn trong chợ nội thành thời điểm này, mỗi ngày thu nhập của gia đình cũng đạt 700-800 nghìn đồng.
Cây rau laghim "bén rễ" trên đồng đất Tân Minh đến nay khoảng 10 năm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh Nguyễn Công Bằng: "Nếu cứ trồng lúa thì người dân chỉ no bụng chứ không thể làm giàu được. Chúng tôi đã trăn trở rất nhiều để tìm cây trồng phù hợp đưa về địa phương. Sau khi học tập mô hình trồng rau ở Văn Giang (Hưng Yên) thấy hiệu quả, xã đã vận động người dân chuyển đổi đất lúa sang trồng rau laghim. Từ các thôn Thọ Giáo, La Uyên, cây trồng này đã nhanh chóng được nhân rộng ra cả xã". Hộ trồng nhiều tới 7 sào như gia đình anh chị Hoàng - Quyết, Nhung - Xuyên ở thôn La Uyên; nhà ít cũng trồng 1-2 sào rau. Còn theo tính toán của Phó Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Tân Minh Nguyễn Văn Hưng thì một năm chỉ cần 3 tháng rau đắt, một hộ trồng 5 sào rau đã có thể thu được trăm triệu đồng. So với các loại rau ăn lá, ăn củ, trồng rau laghim giá trị thu được cao gấp 5 đến 7 lần.
Cây rau laghim đã phát huy giá trị nhưng thực tế, các hộ vẫn chủ yếu canh tác theo kinh nghiệm, diện tích rau an toàn mặc dù đã được quy hoạch nhiều năm nhưng đến nay vẫn chậm được triển khai. Ông Nguyễn Công Bằng cho biết thêm, nhu cầu thị trường rau laghim ngày càng lớn, Tân Minh đã xây dựng kế hoạch sản xuất và tiêu thụ rau an toàn khá bài bản từ năm 2008 và đã quy hoạch vùng sản xuất ở hai thôn La Uyên, Phúc Trại trên diện tích 50ha. Đồng thời, xã đề ra mục tiêu hoàn thành xây dựng thương hiệu "Rau an toàn Tân Minh". Đến giữa năm 2012, UBND TP Hà Nội đã có quyết định giao cho UBND huyện Thường Tín chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tại xã với diện tích 49,6ha, tổng mức đầu tư khoảng 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, huyện, xã và nhân dân đóng góp, thời gian thực hiện trong 3 năm (2013-2015) nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho xã Tân Minh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng rau sạch, an toàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của huyện Thường Tín và TP Hà Nội. Tuy nhiên, từ khi phê duyệt đến nay dự án vẫn chưa triển khai được gì. "Nếu dự án triển khai đúng tiến độ, chắc chắn cây rau laghim của người dân địa phương sẽ phát huy hiệu quả hơn, mang lại đời sống sung túc cho người dân" - ông Bằng mong mỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.