(HNMO) - Ngày 6-4, UBND thành phố Hồ Chí Minh thông tin về tiến độ dự án đường Vành đai 3 với đoạn tuyến đi qua địa bàn.
Theo đó, trong thời gian từ ngày 30-3 đến 6-4, Ban Quản lý các dự án giao thông đã phối hợp với tư vấn hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật 4 gói thầu phục vụ khởi công vào ngày 30-6-2023 để trình thẩm định, phê duyệt trong tuần tới.
Gần đây nhất, ngày 4-4, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã họp lấy ý kiến Hội đồng cố vấn và các đơn vị liên quan góp ý một số nội dung chính của hồ sơ thiết kế kỹ thuật (tổ chức giao thông, biện pháp thi công chủ đạo, tổ chức thi công và nguồn nguyên, vật liệu thi công…). Trong tuần tới, sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị thẩm định.
Từ ngày 24-3, các địa phương và cơ quan hữu quan đã niêm yết công khai chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các địa phương. Hiện, các địa phương đang tiếp tục tổng hợp lấy ý kiến của người dân về dự thảo chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Dự kiến, UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ phê duyệt chính sách bồi thường vào ngày 25-4, bắt đầu chi trả (đợt 1) từ ngày 25-4 đến 25-5-2023.
Đặc biệt, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã phối hợp các bên làm việc với sở tài nguyên và môi trường các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai (nơi có dự án đường Vành đai 3 đi qua) và các địa phương lân cận như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, An Giang để rà soát nguồn vật liệu xây dựng phục vụ dự án.
Theo đó, đất đắp nền đường có 1,7 triệu/1,6 triệu mét khối, vượt nhu cầu (106%). Cát xây dựng hiện có 1,1 triệu /1,5 triệu mét khối (đạt 73,3%). Đá xây dựng có 6,2 triệu/4,4 triệu mét khối (vượt nhu cầu - 141%). Cát đắp nền đường có 5,8 triệu/7,2 triệu mét khối (đạt khoảng 80,5%). Về cơ bản, lượng vật liệu xây dựng này đã đáp ứng đủ và sẵn sàng phục vụ khởi công dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 6-2023.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) cho biết, tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua thành phố Hồ Chí Minh dài hơn 47km, với tổng mức đầu tư hơn 41.000 tỷ đồng (chi phí xây dựng khoảng 22.400 tỷ đồng và hơn 18.000 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.