Kế hoạch phát hành tiền điện tử của Facebook đã và đang vấp phải sự chỉ trích từ các nhà hoạch định chính sách và cơ quan giám sát tài chính trong và ngoài nước Mỹ.
Tiếp theo phiên điều trần ở Ủy ban Thượng viện, trong phiên điều trần ngày 17-7, các nghị sỹ thuộc Hạ viện Mỹ đã bác bỏ kế hoạch phát hành tiền điện tử của Facebook và cho rằng mạng xã hội lớn nhất thế giới không đưa ra được những lý lẽ thuyết phục các nhà lập pháp có thể tin tưởng về việc bảo vệ hệ thống tài chính thế giới và dữ liệu của người tiêu dùng.
Facebook đang nỗ lực vận động để có được sự "gật đầu" từ phía chính giới Mỹ sau khi gây sốc cho các nhà quản lý và các nhà lập pháp với thông báo vào ngày 18-6 rằng mạng xã hội này hy vọng sẽ ra mắt một đồng tiền kỹ thuật số mới có tên Libra vào năm 2020.
Kế hoạch của Facebook đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhà hoạch định chính sách và cơ quan giám sát tài chính trong và ngoài nước Mỹ, với lo ngại việc áp dụng rộng rãi tiền điện tử của Facebook có thể gây ảnh hưởng tới 2,38 tỷ người dùng và hệ thống tài chính toàn cầu.
"Tôi có những lo ngại nghiêm trọng với các kế hoạch của Facebook để tạo ra một loại tiền kỹ thuật số và ví kỹ thuật số", bà Maxine Waters, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát cho biết trong bài phát biểu khai mạc.
"Nếu kế hoạch của Facebook trở thành hiện thực, công ty này và các đối tác sẽ nắm giữ sức mạnh kinh tế to lớn, có thể gây bất ổn tiền tệ và các chính phủ", bà Maxine Waters nhấn mạnh.
Các nhà lập pháp thuộc Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ đã chất vấn ông David Marcus, Giám đốc Facebook giám sát dự án tiền điện tử. Trước đó một ngày, ông Marcus cũng bị các Thượng nghị sỹ của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện chỉ trích về những rủi ro có thể xảy ra với Libra và những tác động tiêu cực đến quyền riêng tư dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng và chống rửa tiền.
Theo mô tả của hãng tin Reuters, phiên điều trần tại Ủy ban Hạ viện Mỹ tỏ ra căng thẳng hơn ở Thượng viện.
Facebook đã lên tiếng bảo vệ dự án của mình. Công ty truyền thông xã hội cho biết, công ty con quản lý ví kỹ thuật số Calibra của họ sẽ chỉ chia sẻ dữ liệu khách hàng với Facebook hoặc các bên thứ ba nếu có sự đồng ý hoặc trong trường hợp hạn chế khi cần thiết.
Hạ nghị sỹ Dân chủ Carolyn Maloney đã gợi ý Facebook nên tiến hành chương trình thí điểm phát hành Libra với 1 triệu người dùng và được giám sát bởi các cơ quan quản lý tài chính của Mỹ, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Ông Marcus, người từng là chủ tịch của PayPal từ năm 2012 đến 2014, đã không cam kết tiến hành một chương trình thí điểm nhưng cố gắng làm dịu các nhà lập pháp bằng cam kết không phát hành Libra cho đến khi các vấn đề pháp lý được giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.