Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án nuôi trồng thủy sản tại xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì): Vẫn manh mún, nhỏ lẻ

Bài, ảnh: Trung Nguyên| 02/12/2013 06:44

(HNM) - Báo Hànộimới số ra ngày 12-10-2013 đăng bài

"Nhà trông coi" tại vùng dự án nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Lê Hữu Tiến, thôn Mai Trai bị đình chỉ xây dựng.



Theo quyết định phê duyệt, khu nuôi trồng thủy sản xã Vạn Thắng được chuyển đổi 90ha khu ruộng trũng, cấy lúa một vụ bấp bênh sang chuyên nuôi trồng thủy sản thâm canh đạt hiệu quả cao. Ngoài việc được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường, điện, cầu, kênh tiêu…, khu dự án có 91 ao thả cá (mỗi ao dài 120m, rộng 83m). Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, do không được chính quyền địa phương hướng dẫn theo quy hoạch và lập dự án mô hình kinh tế trang trại (KTTT) nên nhiều hộ dân ở xã Vạn Thắng đã "mạnh ai nấy làm". Họ thuê, mượn đất theo mùa vụ, tự đào đắp ao…, dẫn đến việc quy hoạch tại vùng nuôi trồng thủy sản thiếu đồng bộ. Các ao nuôi thả cá có sự chênh lệch diện tích khá lớn, với quy mô từ 1ha đến 2ha; thậm chí có ao rộng tới 4ha và hiện mới chỉ có khoảng 50ha đất được quy hoạch theo mô hình chuyên nuôi cá; diện tích còn lại vẫn là đất một vụ lúa một vụ cá.

Bên cạnh đó, việc chính quyền thả nổi cho các hộ dân tự làm KTTT cũng khiến cho công tác quản lý, sử dụng đất tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Văn Điền, Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng thừa nhận: Những năm trước có tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất công, diện tích mặt nước do tập thể quản lý thuộc cánh đồng chiêm trũng thôn Mai Trai, nhưng cán bộ thôn, xã không kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Hiện địa phương đang thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân vùng dự án có nguyện vọng được nhận ruộng tại khu vực nuôi trồng thủy sản, nhưng xã chưa có cách nào tháo gỡ do không xác định được ranh giới giữa đất công với đất các hộ gia đình được giao, thuê, mượn, chuyển nhượng (?). Trong khi đó, để có được diện tích nuôi trồng thủy sản như hiện nay, các hộ dân đã phải thuê, mượn đất canh tác của hàng chục hộ gia đình khác.

Một vấn đề đáng quan tâm là ngoài việc đầu tư con giống, thức ăn chăn nuôi, việc nạo vét bùn, tôn tạo bờ ao cũng rất tốn kém, luôn đẩy người dân vào tình trạng "khát" vốn. Theo quy định, các hộ vùng dự án muốn tiếp cận nguồn vốn chính sách để đầu tư phát triển kinh tế thì cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận KTTT. Tại khoản 3, Điều 13, Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định: "UBND cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận nhận KTTT cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu…". Nhưng thực tế, UBND xã Vạn Thắng chưa thực hiện việc hỗ trợ các hộ dân lập dự án làm KTTT. Cũng từ nguyên nhân chưa được chứng nhận KTTT, lại đang thuê đất thời hạn ngắn nên người dân còn đầu tư "nhỏ giọt", khiến cho vùng dự án được Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng trở nên nhỏ lẻ, manh mún.

Ông Phùng Tiến Lâm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết: "Dự án nuôi trồng thủy sản tại địa bàn xã Vạn Thắng muốn đạt hiệu quả cao, trước hết địa phương phải làm xong công tác dồn điền đổi thửa. Vướng mắc hiện nay là quy hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các hộ vùng dự án, do tình trạng chung đều làm KTTT theo kiểu tự phát, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đó không đủ điều kiện lập dự án KTTT".

Hiện tại, các hộ dân vùng dự án xã Vạn Thắng rất cần được chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng huyện Ba Vì giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để họ yên tâm đầu tư vốn, phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án nuôi trồng thủy sản tại xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì): Vẫn manh mún, nhỏ lẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.