(HNM) - Đầu tư mở rộng đường Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long) là dự án quan trọng để hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3, nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Bắc. UBND quận Cầu Giấy quyết tâm hoàn thành cơ bản công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trước ngày 30-4-2017, với phương châm vận dụng các cơ chế, chính sách có lợi nhất cho người dân.
Dự án mở rộng đường Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ giảm ùn tắc trên tuyến đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Thái Hiền |
Áp dụng cơ chế đặc thù
Hiện nay, một số hộ dân có kiến nghị về công tác GPMB Dự án mở rộng đường Vành đai 3 chủ yếu liên quan đến thời điểm chuyển từ đất nông nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh, trong đó có liên quan trực tiếp đến việc sử dụng bản đồ địa chính của phường Mai Dịch năm 1994. Về vấn đề này, luật sư Lương Quang Tuấn đại diện các hộ dân ở tổ 21, phường Mai Dịch đặt vấn đề: Cơ sở sử dụng bản đồ năm 1994 là để xác nhận nguồn gốc đất; xác nhận nguồn gốc và thực tế sử dụng đất; xác định đất giao thông, thủy lợi; xác định đất trong sổ, ngoài sổ và đề nghị xác định rõ khái niệm về việc sử dụng đất, việc xác định vị trí thửa đất.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thúy (phường Mai Dịch) thắc mắc: Bản đồ địa chính phường Mai Dịch được nghiệm thu từ năm 1994, như vậy tài liệu này phải làm từ trước đó. Ngoài ra, thời điểm sử dụng đất của các hộ dân trong xác nhận của UBND phường có ghi khoảng năm 1994. Vậy "khoảng" thời gian ở đây là như thế nào?...
Liên quan đến vấn đề nêu trên, ông Trần Đông Dực, Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Cầu Giấy cho biết, những kiến nghị này đã được UBND quận giao cho Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và UBND phường Mai Dịch đối thoại với các hộ dân tại nhà văn hóa phường trong các ngày 12 và 19-11-2016; tại trụ sở UBND quận Cầu Giấy ngày 27-12-2016. Tại các buổi đối thoại, quận đã giải thích, trao đổi, làm rõ và tiếp thu các nội dung kiến nghị chung, kiến nghị riêng của từng hộ dân.
Vấn đề các hộ dân quan tâm nhất là yêu cầu xác định thời điểm sử dụng đất trước tháng 10-1993 là không có cơ sở và không có tài liệu chứng minh. Trong khi hồ sơ lưu giữ tại UBND phường có bản đồ địa chính đo vẽ, nghiệm thu năm 1994. Với nội dung kiến nghị vượt thẩm quyền, quận đã báo cáo thành phố xem xét, chấp thuận chính sách đặc thù cho dự án để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền lợi, giảm bớt thiệt thòi cho người dân có đất thu hồi.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà, quận đã vận dụng cơ chế, chính sách có lợi nhất cho người dân theo các Văn bản số 304/TB-UBND ngày 22-8-2016; số 24/UBND-ĐT ngày 3-1-2017; số 54/TB-UBND ngày 9-2-2017 của UBND thành phố về việc chấp thuận chính sách đặc thù bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp tự chuyển đổi.
Đơn cử như 23 phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 23 hộ đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nhưng diện tích này lại nằm trong phần đất tạm giao cho Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp quản lý, UBND quận đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường đo vẽ, xác định diện tích đất của Trung tâm để điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho các hộ dân. Thêm nữa, quận đã đồng ý xác định vị trí 1 và áp giá bồi thường (hệ số 0,9) đối với 12 phương án sử dụng đất ở có mặt tiền đi qua thửa đất nông nghiệp đã tự chuyển đổi.
Bàn giao mặt bằng trước ngày 30-4
Theo ông Trần Việt Hà, Dự án mở rộng đường Vành đai 3 qua địa bàn quận Cầu Giấy có tổng diện tích đất thu hồi là 32.094,5m2 với 245 phương án đền bù GPMB. Đến nay, UBND quận đã phê duyệt 238/245 phương án, chưa phê duyệt 7 phương án, trong đó có 1 phương án là 3 ngôi mộ tổ của dòng họ Nguyễn Khả.
Để đẩy nhanh tiến độ GPMB, Quận ủy, UBND quận Cầu Giấy và phường Mai Dịch đã thành lập các tổ công tác tuyên truyền, vận động từng hộ bị thu hồi đất; tăng cường đối thoại, giải thích cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để người dân hiểu, ủng hộ. Sau khi vận động, hộ nào không bàn giao mặt bằng, quận sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật. Dự kiến đợt 1 cưỡng chế tổ chức vào ngày 16 và 17-3. Điều đáng mừng là đến thời điểm này đã có 20/23 trường hợp bàn giao mặt bằng. Một trường hợp quận đồng ý sẽ để lại để tiến hành vào đợt 2.
Như vậy, chỉ còn 2/23 trường hợp hộ gia đình chưa bàn giao mặt bằng, với tổng diện tích 312,3m2. “Chúng tôi sẽ kiên trì vận động, thuyết phục các hộ nhận tiền đền bù, quyết tâm phấn đấu hoàn thành cơ bản công tác GPMB để bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án trước ngày 30-4-2017” - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.