Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự án Luật xuất bản (sửa đổi): Tránh chờ nghị định, thông tư

H.V| 04/06/2012 17:25

(HNMO) - Chiều 4/6, thảo luận tại tổ về dự án Luật xuất bản (sửa đổi), các đại biểu đoàn Hà Nội nhận xét, dự luật còn nhiều quy định quá chung, giao Chính phủ hướng dẫn, như vậy lại


Mở đầu phiên thảo luận, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, qua 6 năm thi hành, Luật Xuất bản và các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển một bước cả về số lượng và chất lượng, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới trong thực tiễn. Một số quy định trong Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật như: xuất bản tác phẩm không thông qua nhà xuất bản; Nạn in lậu, in trái phép, vi phạm quyền tác giả diễn ra khá phổ biến; Vẫn còn hiện tượng in ấn, sao chụp trái phép và phát tán các tài liệu sai trái, bất hợp pháp…

Dự thảo Luật Xuất bản (sửa đổi) lần này bao gồm 5 chương, với 50 điều quy định về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản.

Cùng với việc điều chỉnh các lĩnh vực xuất bản, in xuất bản phẩm và phát hành xuất bản phẩm theo luật hiện hành, dự thảo luật sửa đổi đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cơ sở in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm (báo chí, tem chống giả, giấy tờ phục vụ quản lý nhà nước, bao bì, nhãn hàng…) nhằm mục đích ngăn chặn việc in lậu gây rối loạn thị trường hoặc in tài liệu tuyên truyền chống đối Nhà nước.

Ngoài ra, trước xu thế phát triển nhanh của công nghệ thông tin ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động xuất bản, dự luật đã sửa đổi các quy định về xuất bản trên mạng internet cho cụ thể, đầy đủ và phù hợp hơn với thực tiễn; quy định một điều (Điều 15) về Nhà xuất bản điện tử...


Tham gia thảo luận, đại biểu Bùi Thị An đồng tình với việc ban hành luật. Bà đặt vấn đề: Vì sao đất nước ta thời gian qua không có những tác phẩm mang tính chất tầm cỡ? Trách nhiệm này thuộc về ai? Trong quy hoạch xuất bản của ngành có đặt vấn đề này ra không và các nhà xuất bản có đặt hàng cho những tác phẩm như vậy không?

Đại biểu An cũng đồng tình, chúng ta phải chấp nhận phát triển mảng in ấn, phát hành theo thị trường, vấn đề là “quản” như thế nào.

“Có hiện tượng sách, đĩa lậu, đạo văn, đạo nhạc thì khâu quản lý lưu trữ của chúng ta thực hiện như thế nào? Chúng ta có thực hiện quản lý lưu trữ không và nếu đã làm thì làm đến đâu, từ năm nào? Ngành xuất bản cần thêm chế tài nào để trong vòng 5 năm tới có thể quản lý được toàn bộ việc in lậu, xuất bản lậu?”, đại biểu An tiếp tục nêu vấn đề.

Theo đại biểu An, nếu chúng ta giải đáp được các câu hỏi trên thì việc xây dựng luật sẽ tác dụng và sát thực hơn.

Tán thành sửa đổi Luật xuất bản để đưa hoạt động xuất bản vào kỷ cương, tăng cường quản lý Nhà nước, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh băn khoăn vì trong dự thảo chưa có những quy định để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực xuất bản hiện nay.

Tập trung vào các hành vi cấm, đại biểu Khánh cho rằng, so với luật cũ, dự luật sửa đổi chỉ thêm một câu “các hành vi khác theo quy định”, cách quy định ngắn gọn như vậy sẽ không thể khắc phục được nạn in lậu, nối bản… cũng như chưa ngăn được việc xuất bản những tác phẩm có nội dung không lành mạnh, kích động bạo lực, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục…

“Luật cần có quy định rõ hơn về những hành vi cấm, thay vì chờ nghị định của Chính phủ”, đại biểu Khánh đề nghị.

Đại biểu Khánh cũng đề nghị cân nhắc các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm người đứng đầu NXB, quy định về xử lý các hành vi xuất bản xúc phạm đến danh dự, uy tín của tổ chức, cá nhân… theo hướng dễ thực hiện và có thể xử lý được dễ dàng.

Các đại biểu Chu Sơn Hà, Châu Thị Thu Nga, Nguyễn Sơn cũng chung nhận xét, dự luật còn một số điểm cần làm rõ thêm, tránh quy định chung chung, nội dung nào có thể đưa vào ngay trong dự án luật thì cần cụ thể hóa ngay, không chờ nghị định, thông tư…

“Ban soạn thảo nên nghiên cứu giảm thiểu tối đa những quy định khung, đảm bảo luật có thể đi ngay vào cuộc sống”, đại biểu Nga nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật xuất bản (sửa đổi): Tránh chờ nghị định, thông tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.