Nghị quyết và Cuộc sống

Tạo điểm tựa an sinh cho mỗi người, gia đình

Hà Hiền 01/07/2023 - 06:35

Mở rộng diện bao phủ, hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân là mục tiêu quan trọng, được Thành ủy Hà Nội khóa XVII xác định rõ tại Chương trình số 08-CTr/TU, ngày 17-3-2021 về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” (Chương trình số 08). Nhân Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7), nhìn lại chặng đường thực hiện Chương trình số 08 để thấy rõ hơn, chính sách này ngày càng lan tỏa, góp phần tạo điểm tựa an sinh cho mỗi người, gia đình.

bao-hiem.jpg
Người dân đăng ký khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (quận Long Biên).

93,1% dân số ở Thủ đô có tấm thẻ an sinh

Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như của thành phố Hà Nội đi vào đời sống ra sao, thể hiện rõ nhất qua việc người dân được hưởng lợi từ những chính sách đó như thế nào. Ở góc độ này, mục tiêu mở rộng diện bao phủ, không ngừng phát triển số người tham gia bảo hiểm y tế đề ra tại Chương trình số 08 đã có những “mùa vàng” bội thu.

Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, đến thời điểm cuối tháng 6-2023, thành phố có gần 7,736 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đồng nghĩa gần 7,736 triệu người đang có tấm thẻ an sinh để được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, nhất là khi không may bị ốm đau, bệnh tật. So với quy mô dân số, bảo hiểm y tế hiện đạt tỷ lệ bao phủ 93,1%, tăng bao phủ khoảng 3% dân số so với thời điểm trước khi thực hiện Chương trình số 08 (cuối năm 2020, Hà Nội có hơn 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế).

“Trái ngọt” an sinh từ chính sách bảo hiểm y tế được thể hiện rõ hơn qua những quyền lợi mà người dân được thụ hưởng. Hiện nay, người dân ở Thủ đô có thể sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh tại nơi gần nhất thông qua 187 cơ sở khám, chữa bệnh cùng 611 điểm kết nối liên thông đóng trên địa bàn thành phố, thông suốt từ tuyến trung ương đến cơ sở. Chi phí khám, chữa bệnh phần lớn do Bảo hiểm xã hội thành phố chi trả từ Quỹ Bảo hiểm y tế. “Riêng 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở y tế có hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã phục vụ gần 5,9 triệu lượt bệnh nhân với số tiền chi bảo hiểm y tế hơn 10.342 tỷ đồng, tăng 27% về số lượng bệnh nhân và 23,9% về chi phí so với cùng kỳ năm 2022”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho hay.

Tiếp tục mở rộng diện bao phủ

Kiên trì mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân theo nội dung Chương trình số 08, các ngành, địa phương thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút số người tham gia; đồng thời quan tâm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Về phát triển số người tham gia, toàn thành phố phấn đấu bổ sung vào hệ thống dữ liệu bảo hiểm y tế với số lượng hơn 260.000 người trong những tháng cuối năm nay, nhằm đạt mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế đến 93,5% dân số vào thời điểm kết thúc năm, tiếp tục tăng lên 95% vào cuối năm 2025. Trên tinh thần đó, Đảng ủy, chính quyền các cấp, các ngành đưa chỉ tiêu bảo hiểm y tế vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch và coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành hằng quý, hằng năm. Ngoài ra, các bên chú trọng tuyên truyền, phổ biến về tính ưu việt, nhân văn của chính sách đến từng người dân, gia đình, giúp mỗi người nhận thức rõ và chủ động tham gia. Việc rà soát dữ liệu những người chưa tham gia bảo hiểm y tế để có phương án vận động, hỗ trợ phù hợp cũng được triển khai.

Đại diện cho các địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, kết quả rà soát cho thấy, người chưa tham gia bảo hiểm y tế chủ yếu là sinh viên từ nơi khác đến, người dân có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Thế nên quận Hoàn Kiếm đã, đang huy động nguồn lực xã hội để tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người khó khăn...

Dưới góc độ thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đang dự thảo Nghị quyết “Quy định mức hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi, người khuyết tật nhẹ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2024-2025” trình HĐND thành phố xem xét, thông qua. Nếu được thông qua, Hà Nội sẽ có thêm nhiều trường hợp khó khăn được bảo vệ bởi lưới an sinh thông qua bảo hiểm y tế.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng đánh giá, hiếm có chính sách nào nhân văn như bảo hiểm y tế khi người dân chỉ phải đóng một số tiền nhất định, thường không quá 1 triệu đồng/người/năm, mà được hưởng tối đa, có những người hưởng hàng tỷ đồng/năm. Do đó, người dân có thể yên tâm tham gia chính sách.

Từ những dẫn chứng nêu trên càng thấy một điều, việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân với sự tham gia đồng bộ của hệ thống chính trị, sự nhiệt tình của người dân là một trong những yếu tố nền tảng, giải pháp quan trọng để thành phố Hà Nội nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo điểm tựa an sinh cho mỗi người, gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.