Lương - Bảo hiểm

Làm gì để giảm tình trạng tỷ lệ hưởng lương hưu cao, số tiền thực lĩnh thấp?

Hà Hiền 14/08/2023 - 06:41

Theo các quy định hiện hành, tỷ lệ hưởng lương hưu ở nước ta thuộc nhóm cao nhất thế giới, tối đa tới 75%, nhưng số tiền thực lĩnh còn thấp, trung bình khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng. Để số tiền lương tăng lên, góp phần nâng cao mức sống cho người nghỉ hưu, các cơ quan chức năng nghiên cứu triển khai nhiều giải pháp để hóa giải vấn đề này. Quan trọng nhất là các giải pháp cần sớm đi vào thực tế.

1(1).jpg
Các cơ quan chức năng nghiên cứu triển khai nhiều giải pháp để hóa giải thực trạng tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhưng số tiền thực lĩnh thấp, góp phần nâng cao mức sống cho người nghỉ hưu. Ảnh: Hải An

Đóng ít sẽ hưởng thấp

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hưởng lương hưu ở nước ta khá cao, nhưng số tiền thực lĩnh của người hưởng còn thấp, trước hết là do chính sách bảo hiểm xã hội được thiết kế theo nguyên tắc mức đóng đi liền với mức hưởng, thời gian đóng gắn liền với tỷ lệ hưởng.

Những năm qua, tỷ lệ đóng và hưởng lương hưu ở nước ta đều cao so với nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động không cao. Năm 2022, bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động chỉ ở mức 5,73 triệu đồng/người/tháng. Thế nên, lương hưu bình quân của người hưởng mới đạt khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng, chưa đáp ứng tốt nhu cầu nâng cao mức sống của người nghỉ hưu.

Lý do khác là vì, trên thực tế, không ít đơn vị, doanh nghiệp tách các khoản phụ cấp cùng các khoản bổ sung khác để giảm bớt khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn mức thu nhập thực tế. Do đó, khi nghỉ hưu theo chế độ, người lao động sẽ nhận mức lương hưu thấp. Chị Hà Anh Thư, hiện làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng ở Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) cho hay: “Tiền lương và các khoản thu nhập khác của tôi khoảng hơn 8 triệu đồng/tháng, nhưng số tiền làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là gần 4,7 triệu đồng/tháng, tương ứng với lương tối thiểu vùng. Nhiều người xung quanh tôi đều đóng tương tự như vậy, nên tôi không thấy băn khoăn”.

Cần lưu ý, những năm gần đây, số người rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng, tập trung ở nhóm lao động trẻ. Sau đó, những trường hợp này quay trở lại hệ thống an sinh, họ sẽ không được bảo lưu số năm đóng, mà phải tính lại từ đầu, dẫn đến thời gian tham gia ngắn, nên có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp. Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) Đỗ Ngọc Thọ phản ánh, giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người rút bảo hiểm xã hội một lần, năm sau cao hơn năm trước. Sau khi rút, số người trở lại hệ thống an sinh trong giai đoạn này là gần 1,3 triệu người, tương ứng với gần 26% số người từng hưởng chế độ.

Vì đại đa số trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đều lựa chọn mức đóng tối thiểu, nên tiền lương hưu nhận về cũng ở mức tối thiểu…

Đề xuất bổ sung nhiều giải pháp

Để người thụ hưởng có cơ hội nhận lương hưu bảo đảm mức sống, các cơ quan chức năng phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp hiện hữu, dễ nhận thấy là ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bên liên quan đã, đang nỗ lực tạo cơ hội việc làm mới, đồng thời bảo đảm việc làm đang có cho người lao động, giúp họ yên tâm tham gia bảo hiểm xã hội lâu dài.

Đáng chú ý, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án quy định tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Với cả hai phương án, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội là lương tháng, gồm tiền lương và phụ cấp lương cùng một số khoản bổ sung khác. Điều này đồng nghĩa, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội sẽ cao hơn so với hiện nay.

Về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, hai phương án đề xuất tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất đều hướng tới mục tiêu khuyến khích người lao động ở lại hệ thống an sinh. Cụ thể, phương án một quy định, quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần đối với hai nhóm lao động khác nhau, đó là nhóm người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi luật mới có hiệu lực và nhóm người sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu rút một lần. Phương án hai quy định, người lao động được rút một phần, nhưng đối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất, thời gian đóng còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, những đề xuất về giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ đủ 20 năm xuống còn 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi… cơ bản nhận được sự thống nhất, đồng tình của nhiều người, nhiều phía. “Những giải pháp nêu trên đều hướng tới mục tiêu bao quát là bảo đảm an sinh, nâng cao mức sống cho người dân sau khi hết tuổi lao động. Nếu được thực thi, các bên cùng có lợi”, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để giảm tình trạng tỷ lệ hưởng lương hưu cao, số tiền thực lĩnh thấp?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.