Là tuyến giao thông trọng điểm cửa ngõ phía nam của Thủ đô, song đến nay dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ (QL) 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi, cầu Ngọc Hồi vẫn đang ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) và khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi vẫn đang ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Tuấn Khải |
Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp với huyện Thanh Trì công khai quy hoạch, đối thoại với dân để tăng tốc GPMB. Đồng thời, có phương án bố trí nguồn vốn phù hợp với tiến độ dự án.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi (Km185 - Km189) có chiều dài hơn 3,8km, tổng mức đầu tư theo phê duyệt là gần 888 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB khoảng 507 tỷ đồng. Đại diện Ban Quản lý dự án 1 (Sở GT-VT Hà Nội) cho biết, dự án được chia làm 3 gói thầu xây lắp. Đến nay, làn đường bên phải tuyến đã cơ bản thi công xong các hạng mục cống rãnh thoát nước, hộ lan, điện chiếu sáng tại dải phân cách giữa tuyến, nền mặt đường bê tông nhựa. Đối với làn đường bên trái tuyến đã được bàn giao mặt bằng (khoảng 600m đầu tuyến) đã thi công xong đến lớp bê tông nhựa. Việc cơ bản hoàn thành làn đường bên phải và một phần làn bên trái tuyến đã khắc phục được tình trạng thường xuyên ngập úng khi có mưa trước đây. Đồng thời, năng lực thông xe của tuyến đường được cải thiện đáng kể (hiện chỉ còn hiện tượng ùn tắc tại các vị trí bị thắt hẹp do chưa GPMB được trên địa bàn xã Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp).
Với dự án xây dựng cầu mới Ngọc Hồi (tại Km186+300 trên QL 1A), đến nay nhà thầu đã thi công xong đơn nguyên cầu bên trái (rộng 27m), đang lập kế hoạch phân luồng giao thông để phục vụ thi công đơn nguyên bên phải cầu. Tuy nhiên, dự án này cũng đang vướng GPMB. Cùng với đó, cả 2 dự án đều đang gặp khó khăn trong bố trí nguồn vốn. Cụ thể, với dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi đến nay mới bố trí được hơn 113,8 tỷ đồng (đạt 13,3%). Ngoài ra, tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật 5 khu tái định cư (do UBND huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư) để phục vụ GPMB dự án Văn Điển - Ngọc Hồi, cầu Ngọc Hồi chậm cũng ảnh hưởng tới tiến độ GPMB và thi công dự án.
Theo ông Vũ Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, đối với diện tích đất đã được phê duyệt phương án là đất lưu không do UBND xã sở tại quản lý, một số hộ không nhận tiền và bàn giao mặt bằng với lý do đã sử dụng từ trước, thậm chí được thể hiện trong bản đồ địa chính năm 1994 của xã. Huyện đã mời các sở, ngành của thành phố để xin ý kiến về cơ chế, chính sách. Với phần diện tích đất có nhà ở, hiện còn 129/907 hộ không phối hợp điều tra, xác minh nguồn gốc đất vì cho rằng, giá đất áp dụng tính bồi thường hỗ trợ thấp hơn thực tế. Ngoài ra, huyện hiện chưa có quỹ đất tái định cư để giao cho các hộ trên địa bàn xã Ngũ Hiệp. Với dự án cầu Ngọc Hồi, những hộ không đồng tình vì cho rằng giá đền bù quá thấp so với giá thị trường, quận sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động. Nếu các hộ vẫn không chấp thuận sẽ xem xét cưỡng chế…
Về tiến độ xây dựng 5 khu tái định cư, ông Vũ Văn Nhàn cho biết, đến nay khu tái định cư tại xã Tứ Hiệp đã GPMB xong, đang đầu tư hạ tầng; khu tái định cư tại xã Ngũ Hiệp đã lập và thẩm định xong toàn bộ phương án GPMB. Tuy nhiên, do thành phố chưa bố trí vốn để chi trả cho các hộ dân nên huyện chưa phê duyệt phương án; khu tái định cư tại xã Ngọc Hồi đã cơ bản đầu tư xong hạ tầng. Hai khu còn lại tại xã Liên Ninh thì 1 khu đã xong hạ tầng, 1 khu đã hoàn thành GPMB nhưng thiếu vốn để đầu tư hạ tầng.
Tại cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án cải tạo nâng cấp QL 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi và cầu Ngọc Hồi mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, đây là các dự án có ý nghĩa quan trọng góp phần hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông, đồng thời giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho khu vực cửa ngõ phía nam Thủ đô. Do đó, UBND thành phố yêu cầu Ban Chỉ đạo GPMB thành phố, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với huyện, tổ chức đối thoại, công khai quy hoạch, chỉ giới GPMB nhằm tạo sự đồng thuận của người dân. Các sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính… bố trí nguồn vốn để huyện Thanh Trì thực hiện dứt điểm GPMB trong năm 2016-2017 để có thể hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.