(HNM) - Tính đến tháng 12-2011, Việt Nam đã có gần 14.000 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với tổng số vốn đăng ký gần 198 tỷ USD. Tuy nhiên, không ít các dự án này có trình độ công nghệ lạc hậu và không quan tâm đến hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN).
Hoạt động chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI còn nhiều hạn chế. Ảnh: Chí Lâm |
"Mỡ nó rán nó"
Theo PGS-TS Bùi Tất Thắng (Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư), không ít doanh nghiệp FDI thường huy động vốn ngay trên thị trường nội địa để đầu tư, chỉ cho dự án đăng ký một ít vốn "mồi", khi được chấp thuận sẽ huy động vốn ở nước sở tại, gây không ít hệ lụy đối với công tác quản lý và hiệu quả của các dự án. Ngoài ra, việc tiếp nhận công nghệ là không dễ bởi các doanh nghiệp FDI thường có xu hướng giấu bí quyết, coi đó như "bảo bối" trong thương lượng và cạnh tranh với nước chủ nhà. Khâu CGCN từ trước tới nay chính là điểm nghẽn lớn nhất trong các dự án FDI.
Có thể thấy ngay thực trạng CGCN còn hạn chế qua thực tế phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian qua khi các doanh nghiệp nước ngoài có tham gia thị trường thì chủ yếu là về lắp ráp, mức nội địa hóa không quá 6%, trừ một số công ty có một vài dòng sản phẩm có mức nội địa hóa 20-25%. Đây là nguyên nhân trực tiếp khiến mục tiêu của "Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020" (phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ nội địa hóa hơn 50% đối với hầu hết các chủng loại sản phẩm ô tô và phấn đấu xuất khẩu ô tô và phụ tùng đạt mức 5-10% giá trị tổng sản lượng của ngành) khó có thể trở thành hiện thực.
Theo Bộ KHCN, nhiều dự án FDI tại Việt Nam đăng ký đầu tư cho sản xuất sản phẩm công nghệ cao nhưng thực chất chỉ là gia công, lắp ráp thông thường, sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như chưa mang hàm lượng trí tuệ cao. Phần lớn các doanh nghiệp tập trung khai thác lợi thế lao động rẻ, nguồn tài nguyên sẵn có, thị trường tiêu thụ dễ tính để lắp ráp, gia công sản phẩm tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Chỉ có một số lĩnh vực, công nghệ nhập được đánh giá là tiên tiến so với các nước trong khu vực. Đa số bên giao công nghệ theo kênh FDI có quyền sắp đặt hợp đồng CGCN với các điều khoản có lợi cho bên giao, đặt giá thành cao cho việc CGCN. Hầu như không có doanh nghiệp FDI đặt các tổ chức nghiên cứu và phát triển của mình tại Việt Nam
Vì sao nên nỗi?
Với tiềm lực công nghệ của Việt Nam như hiện nay, rất khó để có thể phát triển mạnh nếu không dựa vào bên ngoài. Nước ta hiện vẫn được xếp vào "vùng trũng" về công nghệ do thiếu nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao và hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế. Do đó, khi quyết định đầu tư, các doanh nghiệp FDI thường xem xét kỹ lưỡng mặt bằng công nghệ của nước sở tại để quyết định sử dụng trang thiết bị theo cấp độ nào. Năng lực công nghệ nội sinh kém phát triển đã làm hạn chế khả năng CGCN từ các dự án FDI tại Việt Nam, đó là điều không thể phủ nhận.
Ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KHCN) cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư phải hỏi ý kiến của bộ, ngành liên quan trước khi cấp phép. Đối với dự án phân cấp cho địa phương thì về công nghệ phải xin ý kiến của Sở KHCN, nhưng trong thực tế thì hầu hết bị bỏ qua. Mặt khác, hiện chỉ có những dự án thuộc danh mục đầu tư có điều kiện mới phải hỏi ý kiến, còn lại thì chỉ cần lập hồ sơ xin đăng ký đầu tư và đây được cho là lỗ hổng trong việc quản lý công nghệ, trong đó có công nghệ ở các dự án FDI. Cụ thể là với các dự án không phải thẩm tra, doanh nghiệp có thể đưa thiết bị lạc hậu vào mà chúng ta không có cơ chế kiểm soát được. Hiện nay, kiểm soát việc nhập khẩu máy móc, thiết bị phải theo quy định của Luật Thương mại, do Bộ Công thương quản lý chứ không phải Bộ KHCN.
Cuối năm 2011, Trung Quốc đã loại bỏ 2.255 doanh nghiệp sử dụng công nghệ, máy móc lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường. Một số chuyên gia dự báo, nếu không có hành lang pháp lý đủ mạnh, đặc biệt là tình trạng phân cấp "quá đà" cho địa phương trong thẩm định các dự án đầu tư thì những công nghệ lạc hậu "chảy" vào nước ta là điều có thể xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.