(HNMO) - Sáng 6-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (Dự án Vành đai 4) và Dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, các đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội khẳng định, Dự án Vành đai 4 có vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.
Cơ hội thúc đẩy liên kết Vùng Thủ đô
Điều hành thảo luận tổ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhấn mạnh, kỳ họp này, Quốc hội xem xét nhiều dự án giao thông lớn, được Bộ Chính trị có ý kiến kết luận, Chính phủ có báo cáo tiếp thu giải trình, trong đó có Dự án Vành đai 4. Vì thế, tại kỳ họp này cũng như thảo luận tổ, các đại biểu cần tập trung thảo luận về các nội dung sau: Sự cần thiết, tính cấp bách của các dự án; quy mô, mục tiêu đầu tư, giải phóng mặt bằng, điều kiện triển khai, tiến độ triển khai dự án… và các nội dung liên quan đến dự án.
Thảo luận tại tổ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự án đường Vành đai 4 và Dự án đường Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh.
“Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết đầu tư 2 dự án trên nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó, yêu cầu khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các Dự án Vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km). Từ những số liệu trên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cho rằng, việc phân chia 7 dự án thành phần là hợp lý, trong đó, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
“Giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề khó khăn nhất đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, chúng ta tiến hành giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ gồm cả 9,7km tuyến nối và dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai là hợp lý. Dự án Vành đai 4 có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341ha, trong đó, thành phố Hà Nội 741ha và cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi”, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết.
Đối với cơ chế, chính sách chung của các dự án, trong đó có đề xuất cho phép trong giai đoạn triển khai dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành dự án...
Trên cơ sở đề xuất, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, cơ chế này đã được quy định tại khoản 1 và 2, Điều 5 Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chỉ áp dụng cho các gói dự án thuộc phạm vi Chương trình trong 2 năm (2022-2023). Do đó, đề nghị chỉ áp dụng các cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023.
Tuy nhiên, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, nếu chỉ áp dụng cơ chế này trong 2 năm 2022 và 2023 là không phù hợp về thời gian, vì đã qua 6 tháng đầu năm 2022 rồi Quốc hội mới thảo luận để thông qua.
“Việc áp dụng Nghị quyết 43 vào dự án Vành đai 4 không phù hợp về thời gian và chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư tham gia dự án. Hiện nay, Hà Nội đang đẩy nhanh việc phân tuyến cắm mốc, tính toán giá đền bù giải phóng mặt bằng để ngay sau khi Quốc hội thông qua là tiến hành triển khai”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Giải quyết những bất cập về giao thông
Đại biểu Nguyễn Phi Thường bày tỏ sự nhất trí cao về việc xây dựng Dự án Vành đai 4. Đại biểu quan tâm đến việc kết nối giao thông của Vùng Thủ đô khi dự án đi vào hoạt động, bởi đây là trục xương sống về giao thông giúp kết nối, phát triển các hành lang kinh tế khác, trong đó có hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Côn Minh (Trung Quốc).
Đại biểu cho biết, dự án cầu Thanh Trì và Vành đai 3 đã thiết kế với 5-6 nghìn lượt xe/giờ nhưng đến nay công suất tăng lên gấp 8 lần nên liên tục xảy ra tình trạng kẹt xe. Vì thế, đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao khi dự án Vành đai 4 đã rút kinh nghiệm từ những bất cập này, bởi đây không chỉ là dự án vành đai liên tỉnh, mà còn là vành đai đô thị, với lưu lượng giao thông rất cao.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đầu tư cho 5 dự án, đặc biệt là dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Khẳng định những giá trị mà dự án Vành đai 4 mang lại rất lớn trong kết nối, mở rộng không gian phát triển, giảm tải giao thông..., đại biểu mong muốn dự án được sớm đầu tư và thực hiện quyết liệt, hiệu quả.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đồng tình với sự cần thiết của Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh. Theo đại biểu, việc đầu tư hai tuyến đường này cho Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị, đối ngoại sâu sắc.
“Chúng ta vẫn nói về GDP tăng trưởng, kinh tế phát triển nhưng khi du khách tới Việt Nam, thứ ấn tượng với họ lại là hạ tầng giao thông, nó phản ánh sự phát triển của một đất nước. Nếu như trong nhiệm kỳ này, chúng ta tiến thêm được một bước về hạ tầng giao thông là rất đáng mừng”, đại biểu chỉ rõ.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc nhất trí với các nội dung của dự án Vành đai 4 khi cho rằng, dự án này sử dụng đầu tư công là giải pháp rất quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế, là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Một trong những “điểm nghẽn” là liên kết vùng, mà các tuyến đường cao tốc, giao thông kết nối là điểm rất quan trọng để tháo gỡ, thúc đẩy liên kết vùng. Vì thế, dự án Vành đai 4 không chỉ có ý nghĩa với địa phương, mà tạo ra kết nối trong cả nước. Hiện Hà Nội đã quá tải về giao thông, nên vô cùng cần thiết sự đột phá bằng dự án Vành đai 4 để giải tỏa trong lõi.
Đại biểu tin tưởng, dự án Vành đai 4 sẽ được Quốc hội thông qua, do đó, Hà Nội nên chuẩn bị trước một bước để sớm triển khai dự án ngay sau khi được thông qua chủ trương.
Kết thúc phiên thảo luận tổ, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, có 7 ý kiến của đại biểu thuộc Đoàn Hà Nội đã thảo luận, trong đó có ý kiến của đồng chí Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đinh Tiến Dũng. Các ý kiến rất sâu sắc, thể hiện trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu, trong đó đều thống nhất với các nội dung trình, phân tích sâu các nội dung thành phần và mong các đại biểu Quốc hội thông qua Dự án Vành đai 4 và Vành đai 3 - thành phố Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.