Chiều 29-10, tại buổi tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã phân tích, làm rõ các vấn đề về thời cơ, thách thức đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Thời điểm thích hợp
Đề cập việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã dành gần 20 năm để nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá tác động để đưa ra được phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, cho biết: "Chúng tôi đã mất tới 18 năm nghiên cứu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Thực tế, năm 2011, chúng ta đã trình cấp có thẩm quyền, nhưng tại thời điểm ấy có một số băn khoăn".
Ông Huy cho biết thêm, băn khoăn nổi lên là nhu cầu nguồn vốn đầu tư lớn trong khi quy mô nền kinh tế còn rất khiêm tốn. Vấn đề thứ hai là nợ công ở thời điểm đó. Thứ ba là còn những vấn đề kiến giải về tốc độ, về công năng.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT, tại thời điểm này, quy mô nền kinh tế của chúng ta đã đạt 430 tỷ USD, nợ công cũng ở mức rất hợp lý khoảng 37% (năm 2023). Các điều kiện về nguồn lực cơ bản không phải là thách thức lớn. Bộ GTVT đã chuẩn bị các bước để dự báo nhu cầu vận tải và thấy rằng thời điểm này thích hợp, cần thiết để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm tái cơ cấu lại thị phần vận tải.
Qua nghiên cứu, xét về ưu thế thì cự ly hơn 1.000km thích hợp và là ưu thế của hàng không, còn cự ly dưới 1.000km phải là phương thức vận tải đường sắt. Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam không chỉ là một phần trong chiến lược phát triển giao thông của đất nước mà còn là động lực mạnh mẽ cho sự chuyển mình toàn diện trong hệ thống hạ tầng.
Với quy mô siêu lớn và trình độ công nghệ tiên tiến, dự án được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá cho nền kinh tế đất nước. “Đây là thời điểm thích hợp để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư. Đây cũng thực sự là tiền đề, động lực để chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói", ông Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh.
Để doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng nhập cuộc
Là một trong những đơn vị lớn trong lĩnh vực giao thông và cũng đang rốt ráo chuẩn bị nguồn lực cho dự án đường sắt tốc độ cao, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho hay, Bộ GTVT đã giao cho đơn vị chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực để chuẩn bị hợp tác, xây dựng các mô hình tổ chức cũng như cơ sở vật chất, sẵn sàng tiếp nhận khi được giao.
Về phía lực lượng lao động của ngành Đường sắt, với hơn 22.000 người cũng rất quan tâm tới dự án. Đây là lực lượng chính, là tiền đề để thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao, với vai trò quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao này.
Với tinh thần như vậy, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện ngay nhiệm vụ chuẩn bị tái cơ cấu để xây dựng một mô hình phù hợp với điều kiện quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, đào tạo về lái máy cũng như điều khiển tự động, phải mất từ 5-8 năm. Nếu sử dụng lực lượng ở trong ngành Đường sắt hiện hữu và đang có đủ khả năng, chúng ta chỉ cần đào tạo từ 3-5 năm. Như vậy, kinh phí để rút ngắn thời gian đào tạo cũng là một khoản kinh phí tiết kiệm cho dự án.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho hay, mong muốn của Ủy ban Kinh tế là doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tham gia xây dựng đường sắt, mà còn dần làm chủ, trở thành chủ thể chính vận hành, quản lý đường sắt. Quá trình triển khai, cơ chế thực hiện rất cần thiết. Dự án này không thể thành công, triển khai đúng tiến độ, trơn tru nếu thiếu chính sách đặc thù, linh hoạt, chưa có tiền lệ, dù đây là việc khó.
Đồng tình, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy thông tin, trong quá trình xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, sau đó trình Trung ương, cũng như báo cáo khả thi Chính phủ trình Quốc hội lần này, Bộ GTVT đều đưa ra cơ chế, chính sách huy động nội lực.
“Ví dụ, chúng tôi ràng buộc các điều kiện, tổng thầu phải sử dụng dịch vụ hàng hóa trong nước sản xuất được. Đó là điều kiện tiên quyết với các nhà thầu khi tham gia. Hoặc chúng tôi đưa ra chính sách trình Quốc hội, giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoặc đặt hàng các doanh nghiệp trong nước, các hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được”, Thứ trưởng Bộ GTVT nói.
Cùng với đó, Bộ GTVT đã khảo sát, làm việc với doanh nghiệp luyện kim, sản xuất thép, Tổng công ty Đường sắt về các tiền đề sản xuất đầu máy toa xe, không chỉ đường sắt tốc độ cao, mà hướng tới thị trường lớn hơn là hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị… Tinh thần chung là ưu tiên cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao trải dọc Bắc - Nam, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân thêm ấm no, hạnh phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.