Đầu tư

Ưu tiên nguồn lực, sớm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Tuấn Lương 24/09/2024 14:14

Tại Hội nghị lần thứ 10 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, xác định sự cần thiết của việc sớm triển khai và ưu tiên nguồn lực thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh.

duong-sat-toc-do-cao.jpeg
Đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đang là yêu cầu cấp thiết. Ảnh minh họa: nguồn internet

Hiện thực hóa các mục tiêu lớn

Trước đó, ngày 18-9-2024, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Sau khi nghe Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Tờ trình Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ý kiến của các cơ quan, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận, đây là công trình rất quan trọng và rất cần thiết.

Theo Bộ Chính trị, mục tiêu chung xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng về đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trong Chiến lược phát triển đất nước theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và triển khai các quy hoạch quốc gia.

Việc đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới, tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bộ Chính trị cũng khẳng định, công trình sẽ bảo đảm nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, là hành lang vận tải lớn nhất cả nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức, góp phần giảm chi phí logistics. Cùng với đó, sẽ tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ. Đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng là phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đề xuất lựa chọn tốc độ 350km/h

Trong báo cáo gửi Bộ kế hoạch và đầu tư cuối tháng 8-2024 để thẩm định tiền khả thi, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định đã cùng các bộ, ban, ngành tích cực nghiên cứu kinh nghiệm, tham khảo mô hình từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổ chức học tập kinh nghiệm tại 6 nước sở hữu và làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao.

duong-sat-cao-toc-o-duc-nguyen-van-chuong.jpg
Đường sắt tốc độ cao ở Đức. Ảnh: Nguyễn Văn Chương.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đề xuất đầu tư với chiều dài 1.541km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h, bố trí 23 ga hành khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh).

Về công nghệ, nghiên cứu cho thấy, trên thế giới có 3 loại hình công nghệ, gồm: Công nghệ chạy trên ray, tốc độ khoảng 250-350km/h, chi phí đầu tư trung bình, được đa số các quốc gia trên thế giới lựa chọn; công nghệ chạy trên đệm từ trường, tốc độ khoảng 600km/h, chi phí đầu tư cao, chưa phổ biến; công nghệ chạy trong ống, tốc độ lên đến khoảng 1.200km/h, chi phí đầu tư rất cao, mới đang xây dựng thử nghiệm. Căn cứ mức độ tin cậy, hiệu quả, kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị lựa chọn công nghệ đường sắt chạy trên ray.

Đề cập đến việc lựa chọn tốc độ thiết kế, phía Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, tốc độ 350km/h phù hợp với các tuyến dài từ 800km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.

Ngoài ra, theo tính toán của tư vấn, trên chặng Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, tốc độ 350km/h có khả năng thu hút hành khách cao hơn khoảng 12,5% so với tốc độ 250km/h. Chi phí đầu tư tốc độ 350km/h cao hơn tốc độ 250km/h khoảng 8-9%. Tuy nhiên, nếu đầu tư với tốc độ 250km/h, việc nâng cấp lên tốc độ 350km/h là khó khả thi và không hiệu quả.

Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10-2024; đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2025-2026; triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - thành phố Hồ Chí Minh cuối năm 2027; khởi công các dự án thành phần đoạn Vinh - Nha Trang năm 2028-2029 và phấn đấu hoàn thành đầu tư toàn tuyến năm 2035.

Cơ quan lập báo cáo cũng lý giải phương án đầu tư toàn tuyến sẽ phát huy hiệu quả và thu hút toàn bộ hành khách đi lại trên tất cả cung đoạn ngay khi đưa vào khai thác; đánh giá các chỉ tiêu kinh tế cho thấy phương án này cao hơn phương án phân kỳ đầu tư, tuy nhiên nhược điểm của phương án này là áp lực về vốn và tổ chức thực hiện cao hơn.

Qua rà soát phương án đầu tư, sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tính toán sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án khoảng 67,34 tỷ USD.

Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự kiến đầu tư với chiều dài kết cấu 60% là cầu, 10% là hầm và 30% là nền đất nên suất đầu tư dự án khoảng 43,69 triệu USD/km. Đây là mức trung bình so với một số tuyến khác trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024, như: Tuyến Nuremberg-Ingolstadt (Đức), tốc độ khai thác 300km/h, vốn đầu tư 60,5 triệu USD/km; tuyến LGV Sud Europe-Atlantique (Pháp), tốc độ khai thác 300km/h, suất đầu tư 45,2 triệu USD/km; tuyến Osong-Mokpo (Hàn Quốc), tốc độ khai thác 305km/h, suất đầu tư 53,6 triệu USD/km; tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải (Trung Quốc), tốc độ khai thác 350km/h, vốn đầu tư 33,1 triệu USD/km; tuyến Jakarta-Bandung (Indonesia), tốc độ khai thác 350km/h, suất đầu tư lên tới 52 triệu USD/km.

Trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi sau khi có số liệu khảo sát, thiết kế chi tiết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo tư vấn tiếp tục rà soát, tính toán tổng mức đầu tư dự án bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với công nghệ, quy mô đầu tư dự án.

Để sớm hoàn thành toàn bộ dự án như tiến độ dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 5 nhóm cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu: Đảm bảo khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện; huy động nguồn lực đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp; phân cấp, phân quyền đầu tư.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.284 USD (cao hơn so với Nhật Bản, Trung Quốc hay Uzbekistan tại thời điểm các nước này bắt đầu đầu tư đường sắt tốc độ cao) và ước đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030. Vì vậy, khi hoàn thành đưa vào khai thác, phần lớn người dân có khả năng chi trả cho dịch vụ đường sắt tốc độ cao với mức phí thích hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên nguồn lực, sớm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.